Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Kết quả 03 năm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Thứ Năm, 18/05/2017, 17:12 [GMT+7]
    Sau 03 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ở Trung ương, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, ký kết 10 Chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện việc giám sát trên những lĩnh vực quản lý Nhà nước và hoạt động tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền,  lợi ích của nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
 
Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về công khai kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh (tháng 5-2017)
Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về công khai kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh (tháng 5-2017)
    Qua việc giám sát đã góp phần thiết thực vào việc đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra như: Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015 đã hoàn thành, chỉ rõ 95,75% người có công hưởng đúng, đủ mọi chính sách; 4,25% người có công hưởng đúng nhưng chưa đủ. Việc giám sát công tác Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời có những kiến nghị cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia những vấn đề cần khắc phục trong việc phải tập huấn sâu cho thành viên các tổ bầu cử; việc cấp, định mức và hướng dẫn sử dụng kinh phí dành cho công tác bầu cử; việc rà soát lý lịch các ứng cử viên; việc tổ chức để báo chí, nhân dân tổ chức giám sát công tác kiểm phiếu… tham gia nhiều đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ ngành về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân; xác định sự hài lòng của nhân dân đối với các dịch vụ hành chính công…
 
    Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác; tập trung vào hoạt động tập hợp, lấy ý kiến của nhân dân góp ý, phản biện vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13… Nhiều ý kiến phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan soạn thảo tiếp thu và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
 
    Mặt trận Tổ quốc ở 63 tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để lựa chọn nội dung giám sát, vấn đề phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, đúng những vấn đề mà nhân dân địa phương quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương. Trong 3 năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ba cấp ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ trì giám sát 56.689 cuộc giám sát; trong đó cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa, bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng nông thôn mới; phối hợp thực hiện và giám sát tổng rà soát chính sát ưu đãi với người có công với cách mạng; thực hiện chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cấp phát gạo cứu đói cho các hộ nghèo, hộ miền núi gặp khó khăn… Việc phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục được duy trì và phát huy.
 
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương đã tổ chức 30.661 cuộc góp ý, phản biện xã hội liên quan tới các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành; các dự thảo, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại các kỳ họp HĐND; các chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân tại địa phương; các vấn đề bức xúc trong nhân dân; phối hợp tổ chức 90.841 cuộc đối thoại trực tiếp, qua đó, người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của các địa phương. Việt trực tiếp đối thoại giữa các cấp lãnh đạo với người dân đã góp phần tạo môi trường dân chủ cho đời sống chính trị, xã hội của cả nước.
 
    Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương, của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn chính sách, quy định của pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật; nhiều kiến nghị sau giám sát đã được nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Cù Tất Dũng
;
.