Bảo đảm an ninh trật tự là tiền đề quan trọng phát triển đất nước
Ngày 15-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình an ninh trật tự trong thời gian gần đây do Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an phối hợp một số cơ quan liên quan tổ chức.
Cùng dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (tại đầu cầu Hà Nội); Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo về tình hình an ninh trật tự trên cả nước; các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình và kiến nghị các giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự thời gian tới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về nước ta, đó là: Tăng trưởng, phát triển tốt, khách du lịch quốc tế đến nước ta ngày càng đông... Đạt được điều đó chính là nhờ an ninh trật tự được bảo đảm, giúp nhà đầu tư và du khách yên tâm khi đến Việt Nam. Dù đánh giá tình hình tội phạm đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo đảm an ninh trật tự đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nước ta còn xuất hiện tình trạng tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, tội phạm ma túy, tham nhũng, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tội phạm công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để đưa tin chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là tình trạng phá rừng, khai thác cát trái phép, vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp liên quan hàng chục nghìn người…
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là công tác nắm tình hình trong dân, phát huy người có uy tín trong dân chưa tốt. Có vụ việc giải quyết thiếu chủ động, lúng túng, chưa có phương án, dẫn đến việc nhỏ trở thành việc nghiêm trọng. Một số vụ việc chưa có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng; thiếu chuyên nghiệp, chưa thực hiện nghiêm pháp luật. Cấp vĩ mô chưa chủ động nghiên cứu vấn đề xã hội để xử lý các vấn đề khoa học hơn. Một số cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật chưa được xử lý...
Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhận thức lại tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển đất nước, bảo đảm cuộc sống nhân dân; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ mọi hoạt động đều phải gắn với giữ ổn định an ninh trật tự tại địa phương và cơ quan mình. Thủ tướng lưu ý, các kế hoạch, hành động có nguy cơ dẫn đến bất ổn thì phải hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng; có giải pháp không làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Đây là việc mà người đứng đầu các cơ quan địa phương phải luôn luôn có ý thức rõ ràng. Thu hồi đất phải tính phương án cụ thể, chính sách cho dân.
Bên cạnh chỉ đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lực lượng kiểm lâm chủ trì việc bảo vệ rừng tự nhiên; Bộ Công thương bảo đảm chống vi phạm trong bán hàng đa cấp; Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý khiếu nại về đất đai, nhất là khi 70% đến 80% các vụ khiếu nại đông người hiện nay là về đất đai; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền; Thanh tra Chính phủ củng cố việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo, tiếp dân, không để điểm nóng xảy ra.
Nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị là đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự nói chung, Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp tăng cường quản lý, giáo dục thanh niên, sinh viên, học sinh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu theo Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự và tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các yếu tố dẫn đến mất an ninh trật tự ở địa phương. Tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt các địa bàn có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp kéo dài liên quan thu hồi, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án.
Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại việc triển khai các dự án đất đai liên quan đến thu hồi đất, bàn chuyên đề giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện khi mới phát sinh, bảo đảm lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không để phần tử xấu kích động, lôi kéo, xuyên tạc, chống phá. Giải quyết khiếu kiện đất đai phải có lý, có tình, có vận động, có thuyết phục, và căn cứ vào quy định của pháp luật vận dụng cụ thể ở địa phương. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải thích truyên truyền, vận động người dân sống theo pháp luật, chống kẻ xấu lợi dụng.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an ninh trật tự thời gian tới.
Lê Sơn