Ủy ban Thường vụ Quốc vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Năm, 20/04/2017, 15:52 [GMT+7]
    Ngày 19-4, tiếp tục Phiên họp thứ 9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc vụ đã cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    Báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày. Theo đó, điểm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là đã kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp…
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển Phiên họp chiều 19-4
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển Phiên họp chiều 19-4
    Nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên cho bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Minh bạch, công khai hóa thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…
 
    Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm tập trung tháo gỡ các vấn đề cấp bách, khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Việc quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, bảo đảm chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, minh bạch hoá chi tiêu của NSNN. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân có tiến bộ, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí dần được nâng cao. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đã góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục. Cụ thể, quản lý, sử dụng NSNN tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí. Việc quản lý đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao. Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục. Quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí tài nguyên. Công tác quản lý đất đai còn những yếu kém, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa đạt yêu cầu. Trong quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân vẫn mang tính khẩu hiệu, chưa đạt được hiệu quả cao…
 
    Cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo thẩm tra, các Ủy viên UBTVQH khẳng định, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mà công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, Chính phủ nên nhấn mạnh, tuyên dương một số địa phương đã làm tốt công tác tinh giản biên chế, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như TP Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh… Đây là hình thức động viên các địa phương đã làm tốt và để các địa phương khác cùng noi theo.
 
    Bên cạnh đó, xét về những hạn chế tiêu cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa được khắc phục, còn kéo dài nhiều năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao hơn.
                                                                    Vũ Khuyên
                                                             (Truyền hình Quốc hội)
;
.