Bảo đảm chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ngành Tòa án

Thứ Sáu, 31/03/2017, 14:50 [GMT+7]

    Ngày 30-3, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân.

    Theo Đề án vị trí việc làm của công chức, hệ thống Tòa án nhân dân có Khung danh mục 194 vị trí việc làm của công chức, số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm là 19.415 người. So với số lượng biên chế được phân bổ năm 2012 thì số lượng biên chế tăng theo vị trí việc làm là 4.178 người. Ngoài biên chế công chức, hệ thống Tòa án có 4 vị trí việc làm theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tương ứng với 2.754 người.

    Về Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của của Tòa án nhân dân tối cao có tổng số 84 vị trí việc làm, với số lượng người cần thiết bố trí tại các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao là 219 người.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Phiên họp

    Theo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức của các Tòa án nhân dân vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, như: thiếu về số lượng, nhất là các Tòa án nhân dân cấp cao và Thẩm phán của các Tòa án nhân dân cấp huyện. Bên cạnh đó, cơ cấu ngạch chưa phù hợp, công tác sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao và còn nhiều hạn chế, bất cập về chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

    Đề án được tổng hợp từ Đề án vị trí việc làm của từng Tòa án nhân dân; đồng thời, tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Vị trí việc làm của Tòa án nhân dân gồm 2 Đề án: Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân và Đề án vị trí việc làm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Theo Tờ trình, từ nay đến năm 2021, ngành Tòa án dự kiến thực hiện tinh giản 10% biên chế trong các Tòa án nhân dân. Đối tượng tinh giản gồm những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, kinh nghiệm không đáp ứng yêu cầu; sức khỏe không bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, có nguyện vọng nghỉ việc theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế.

    Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao cũng đề xuất được tuyển dụng bổ sung 10% số công chức có chất lượng, tập trung vào chức danh tư pháp (thư ký tòa án) để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tòa án nhân dân tối cao cũng đề nghị, được trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung số lượng thẩm phán sơ cấp cho các Tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở giữ nguyên số lượng biên chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao từ năm 2012.

    Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân trong bối cảnh phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

    Theo Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong, tăng biên chế phụ thuộc vào vị trí việc làm. Thực tế cho thấy Tòa án nhân dân cấp cao hiện nay chưa có biên chế. Đây là tổ chức mới phải có vị trí việc làm. Hiện nay, số lượng công việc của Tòa án nhân dân cấp cao nhiều, áp lực công việc rất cao, do đó đề nghị tiếp tục giữ lại 10% cán bộ phải giảm biên chế để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đồng chí Mai Khanh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, thành viên Ủy ban Tư pháp, vị trí việc làm theo như mô tả trong đề án còn thiếu. Như Thẩm phán trung cấp ngoài công việc xét xử còn tham gia các hoạt động khác như hội đồng thi hành án hình sự… Bên cạnh đó nếu xây dựng cơ cấu vị trí việc làm chỉ căn cứ vào chỉ tiêu đầu việc là không phù hợp, vì có những vụ án Thẩm phán chỉ xét xử trong một hai ngày là xong còn có những vụ hàng chục ngày, hàng tháng, thậm chí kéo dài cả năm… như vậy căn cứ này là sẽ không  phù hợp.

    Ngoài ra, việc thiếu Thẩm phán hiện nay không phải do không có nguồn lực mà điều quan trọng hơn là cần hiểu rõ những khó khăn và trọng trách của Tòa án hiện nay khi thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tội phạm ngày càng gia tăng và phức tạp; trong khi chúng ta  phải “ép” theo chủ trương giảm biên chế nên vô cùng khó khăn.

    Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn khi Đề án vị trí việc làm của công chức đề xuất tăng số người làm việc thêm 36% (tăng 4.178 người) so với số lượng biên chế hiện nay của Tòa án đã được phân bổ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét về biên chế của Tòa án song đối với đề xuất này Tòa án cần phải cân nhắc kỹ hơn, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

    Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh, Ủy ban Tư pháp ủng hộ chủ trương xây dựng Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân; đề nghị phía Tòa án cần tính đúng, tính đủ, không trùng, không bỏ sót, bảo đảm chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.                                                          

Báo Điện tử Đảng CSVN

;
.