Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn
Thứ Ba, 06/09/2016, 09:59 [GMT+7]
Thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg về “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Đề án đến các cấp, các ngành, chỉ đạo thực hiện, xem đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng.
Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường nhằm tạo sự gần gũi, thiết thực với người dân như: Chương trình “Đối thoại trực tuyến với công dân”; “Hộp thư truyền hình”; “Chuyện không của riêng ai”, “Pháp luật và cuộc sống”, “Công dân và pháp luật”… giúp cho nhân dân có nhiều kênh thông tin, diễn đàn để truyền đạt nguyện vọng của mình. Xây dựng chuyên mục “Khiếu nại - Tố cáo” trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra Thành phố (www.thanhtra.hochiminhcity.gov.vn).
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh |
Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo và kỹ năng tuyên truyền cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên. Việc biên soạn, chuyển tiếp, phát hành các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo được chú trọng, đã cấp phát 192.942 cuốn sách, 815.605 tờ gấp, 171 băng đĩa và 378.969 bản tin và tài liệu khác.
Trong thời gian thực hiện Đề án, toàn Thành phố đã thực hiện 3.021 cuộc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo với 122.278.230 lượt người tham dự. Tổ chức 20 Hội thi tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo với 2.418 lượt người tham dự.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền và cán bộ, công chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nhất là tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ cấp cơ sở, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương; việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đi vào nền nếp, việc giải quyết đơn, thư đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định, hạn chế đơn thư tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo giảm theo từng năm (năm 2014 giảm 33%, năm 2015 giảm 4%).
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số vụ việc đông người phức tạp, kéo dài, thậm chí khiếu nại vượt cấp; tỷ lệ vụ việc khiếu nại sai (kết quả giải quyết lần 2) vẫn chiếm đa số (từ 75% trở lên). Số đơn khiếu nại, tố cáo gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền vẫn chiếm tỷ lệ cao 30%-35%. Chất lượng các buổi tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa thuyết phục; kỹ năng tuyên truyền, giải thích của một số cán bộ còn hạn chế nên việc hướng dẫn, giải thích cho người dân trong nhiều trường hợp chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến người dân còn bức xúc…
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; chú trọng thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò ý kiến góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc tuyên truyền và vận động người dân tham gia, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật.
Hương Giang
(Báo Thanh tra)
;