Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017

Thứ Sáu, 19/08/2016, 11:31 [GMT+7]

Ngày 29-7-2016, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số: 22/2016/QH14 Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương xin trân trọng đăng tải toàn văn Nghị quyết.

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;
Sau khi xem xét Tờ trình số 08/TTr-UBTVQH14 ngày 23 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Báo cáo số 14/BC-UBTVQH14 ngày 28 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 như sau:

1. Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án sau đây:

- Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp);

- Luật quy hoạch (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2);

- Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2016);

- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2016).

2. Đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án sau đây:

- Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi);

- Luật chứng thực;

- Luật biểu tình;

- Luật về máu và tế bào gốc;

- Luật quốc phòng (sửa đổi) (chuyển sang Chương trình 2017 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4).

Điều 2

Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 như sau:

1. Tại kỳ họp thứ 3

a) Trình Quốc hội thông qua: 15 dự án

1. Luật công an xã;

2. Luật đường sắt (sửa đổi);

3. Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi);

4. Luật quản lý ngoại thương;

5. Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

6. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ;

7. Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi);

8. Luật thủy lợi;

9. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi);

10. Luật cảnh vệ;

11. Luật du lịch (sửa đổi);

12. Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi);

13. Luật quy hoạch;

14. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ;

15. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (theo quy trình tại một kỳ họp).

b) Trình Quốc hội cho ý kiến: 08 dự án

1. Luật bảo vệ bí mật nhà nước;

2. Luật cạnh tranh (sửa đổi);

3. Luật quản lý nợ công (sửa đổi);

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động;

5. Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi);
6. Luật thủy sản (sửa đổi);

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo;

8. Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

2. Tại kỳ họp thứ 4

a) Trình Quốc hội thông qua: 09 dự án

1. Luật bảo vệ bí mật nhà nước;

2. Luật cạnh tranh (sửa đổi);

3. Luật quản lý nợ công (sửa đổi);

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động;

5. Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi);

6. Luật thủy sản (sửa đổi);

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo;

8. Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện;

9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (theo quy trình tại một kỳ họp).

b) Trình Quốc hội cho ý kiến: 06 dự án

1. Luật quốc phòng (sửa đổi);

2. Luật an ninh mạng;

3. Luật hành chính công;

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao;

5. Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi);

6. Luật đo đạc và bản đồ.

Điều 3

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để  đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

4. Chính phủ có trách nhiệm:

a) Phân công cơ quan chủ trì nghiên cứu, tổng kết quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa nghị quyết của Đảng, triển khai thi hành Hiến pháp, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân và thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Khẩn trương chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh, dự án Luật biểu tình trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Phân công cơ quan chủ trì nghiên cứu sự cần thiết ban hành văn bản, chuẩn bị hồ sơ các dự án luật đã được Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề nghị nhưng chưa được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện;

d) Tăng kinh phí hỗ trợ xây dựng pháp luật; sớm quyết định phân bổ kinh phí cho các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 29 tháng 7 năm 2016.

                                                                CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

                                                                 Nguyễn Thị Kim Ngân

                                                        (đã ký)

                                                                                                                             

;
.