Nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
Thứ Hai, 21/03/2016, 11:41 [GMT+7]
Bộ Tư pháp vừa tổ chức Tọa đàm góp ý đối với Đề án sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Qua 3 năm xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thể hiện được ý nghĩa, vai trò cũng như những yêu cầu bước đầu đạt được. Việc áp dụng Chỉ số cải cách hành chính cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Chỉ số cải cách hành chính đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cả về nội dung các lĩnh vực, tiêu chí và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Do đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chí thành phần bảo đảm phù hợp thực tế hơn nữa, điểm nổi bật của Đề án sửa đổi là bổ sung nhóm tiêu chí điểm thưởng/điểm trừ. Cụ thể, nhóm tiêu chí điểm thưởng dành cho Bộ, ngành là có sáng kiến cải cách hành chính nổi bật, điển hình được Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ ghi nhận; có ban hành Bộ Chỉ số cải cách hành chính của Bộ và đánh giá hàng năm; có tổ chức điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; có ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức và thực hiện đánh giá hàng năm; có áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức thi tuyển hoặc thi nâng ngạch/nâng hạng công chức, viên chức thông qua hình thức trực tuyến. Tương tự, với địa phương, nhóm tiêu chí điểm thưởng gồm 4 tiêu chí đầu cho Bộ, ngành, chỉ khác tiêu chí cuối là kết quả Chỉ số PCI của năm đánh giá được xếp hạng trong nhóm tốt trở lên.
Nhóm tiêu chí điểm trừ gồm: để xảy ra tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quản lý mà công chức, viên chức liên quan bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự; không thực hiện việc xin lỗi công dân trong các trường hợp hồ sơ trễ hẹn hoặc không giải thích cụ thể các trường hợp trả lại hồ sơ thủ tục hành chính; không công khai, minh bạch tiếp cận các thông tin, tài liệu của bộ, địa phương theo quy định; báo cáo tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính thiếu chính xác, sai số quá 5% so với điểm thẩm định; không kịp thời giải quyết, xử lý hoặc cho ý kiến về những vụ việc đột xuất, bất thường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện không tốt các nội dung thuộc phạm vi quản lý của địa phương, được báo, đài và các phương tiện truyền thông phản ánh.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại buổi Tọa đàm góp phần hoàn thiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí mà Bộ, ngành Tư pháp chủ trì, để quyết tâm cải thiện thứ hạng trong xếp hạng cải cách hành chính năm 2016 và những năm tiếp theo.
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)
;