Khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 7-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao...; cho ý kiến các luật còn lại phù hợp với Hiến pháp 2013,...
Với những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 11 sắp tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực, khẩn trương chuẩn bị, làm việc hết sức mình để Kỳ họp thứ 11 thành công tốt đẹp; vì lợi ích chung và tương lai phát triển của nước ta trong 5 năm tới.
Quang cảnh Phiên họp |
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 (bao gồm: mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016 - 2020); kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2015 tăng 0,6% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001; bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tín dụng đối với nền kinh tế được cải thiện. Tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 15,64%; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,29%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt mức cao, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh so với Nghị quyết của Quốc hội (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng, thấp hơn 0,5 USD/thùng so với giá ước tính báo cáo Quốc hội), nhưng tổng thu NSNN cả năm đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng so với dự toán và cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội là 69,37 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN đạt 1.262,87 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256 nghìn tỷ đồng, bằng mức đã được Quốc hội cho phép. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 bằng 6,1%/GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm so với số đã báo cáo Quốc hội là 291,1 nghìn tỷ đồng. Dư nợ công cuối năm 2015 đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% GDP.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 30,5%). Tổng số vốn FDI thực hiện năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là 13,2 tỷ USD), tăng 16% so với năm 2014, vượt 11,5% so với kế hoạch đề ra. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân năm 2015 đạt 4,6 tỷ USD, bằng 81,3% năm 2014, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 5 tỷ USD...
Bộ trưởng cũng thông tin, trong hai tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá cả thị trường ít biến động, không có hiện tượng sốt giá như các dịp Tết trước đây. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất - nhập khẩu có bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết khá dài, nhưng tính chung hai tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ phát triển khá; khách quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao, cho thấy các tín hiệu cải thiện về sức mua và tổng cầu. Tăng trưởng tín dụng tăng so với cùng kỳ. Thu nội địa tăng cao so với cùng kỳ. Thu hút FDI tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi tăng cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất, tinh thần; an ninh chính trị được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường… bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui xuân đầm ấm, an toàn.
Tuy nhiên, các đợt rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại về cây trồng và gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng cho biết, các mục tiêu chủ yếu gồm: Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.
Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9-10 bác sỹ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm.
Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các nội dung trên.
Kim Thanh
(Báo Điện tử Đảng CSVN)