Hội Luật gia Việt Nam: Tổng kết Luật trưng cầu ý dân

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:44 [GMT+7]
    Hội Luật gia Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Luật trưng cầu ý dân, đánh giá vai trò của Hội trong quá trình triển khai xây dựng Luật.
 
    Dự Hội nghị có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Luật trưng cầu ý dân.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. 
 
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị tổng kết
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị tổng kết
    Luật gồm 8 chương, 52 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ, nguyên tắc trưng cầu ý dân; người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân; các vấn đề trưng cầu ý dân; phạm vi tổ chức, ngày bỏ phiếu, các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân… Luật cũng quy định, trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước và những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định…
 
    Phát biểu tại buổi Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình triển khai xây dựng Luật trưng cầu ý dân; khẳng định, Luật đã phản ánh đúng nhu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân chủ động, tích cực tham gia vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. 
 
    Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, những dự án luật về hội, tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin… liên quan đến quyền của người dân, thể hiện tính chất dân chủ của Nhà nước, vì vậy, quá trình Quốc hội xem xét, ban hành các luật này, Hội Luật gia cần tích cực đóng góp ý kiến. Thời gian tới, Hội Luật gia tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, tuyên truyền, phổ biến Luật trưng cầu ý dân để Luật đi vào cuộc sống, thật sự là công cụ hiệu quả để nhân dân tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 
                                                                        Nguyễn Thị Xuân
                                                                    (Hội Luật gia Việt Nam)
;
.