Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước năm 2016

Thứ Năm, 25/02/2016, 14:01 [GMT+7]

Năm 2016, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng và triển khai trong toàn ngành. Cụ thể là:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 34-NQ/BCS của Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước về việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước; quán triệt thực hiện nghiêm túc một số chỉ thị về thực hiện biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ… từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Ban Nội chính Trung ương ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng
Ban Nội chính Trung ương ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng

 Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, như: Xây dựng, ban hành kịp thời các quy định, quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 (có hiệu lực 01-01-2016); tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động theo các chuyên đề độc lập, thiết thực, nổi cộm được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm.

Hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015 đối với niên độ ngân sách năm 2014, phấn đấu đạt tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính cao hơn năm trước, chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.

Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán một cách toàn diện trên ba mặt: Năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, lựa chọn tiếp thu những phương pháp kiểm toán mới, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin để áp dụng trong hoạt động kiểm toán ở Việt Nam.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của toàn ngành và công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các đơn vị trực thuộc, xử lý nghiêm đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán của toàn ngành; chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ kết quả, bằng chứng kiểm toán cho Cơ quan điều tra, thanh tra, Viện kiểm sát xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Kiểm toán Nhà nước với Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Thu Hà

;
.