Lễ hội "Thề không tham nhũng"
Thứ Hai, 22/02/2016, 15:42 [GMT+7]
Ngày 21-2, Lễ hội Minh Thề (Thề không tham nhũng) được tổ chức tại làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng.
Lễ hội có từ năm 1561, khi vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản lập ra ấp Lan Niểu, nay là làng Hòa Liễu. Cùng với đó, bà huy động hoàng thân quốc thích và quan lại triều đình góp tiền để tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự. Số tiền quyên góp đó cũng dư ra để mua được hơn 47 mẫu ruộng. Số ruộng này sau khi chia cho dân đinh cày, thì còn một phần diện tích là ruộng công dùng cho người có nhu cầu "đấu thầu" để canh tác.
Người dân uống rượu thề không tham nhũng |
Những người nhận ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu để làm một "quỹ" dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp người nghèo, cô nhân, quả phụ. Để đề phòng tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng đã lập ra hịch văn hội Minh Thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không vì tư lợi, nghèo khó mà lấy của công làm việc riêng cho mình. Nếu phạm lời thề thì trời tru đất diệt. Những người đứng lên đài thề trong hội Minh Thề là các quan cấp làng như lý trưởng và các tùy tùng giúp việc. Ngoài ra, những người trên 18 tuổi ở trong làng đều phải đứng dưới để hòa chung vào lời thề. Các quan hàng Tổng (tương đương cấp huyện) và hàng Phủ (tương đương cấp tỉnh) cũng về dự để chứng kiến lời thề.
Trải qua nhiều thế kỷ, với biết bao biến đổi của thời cuộc nhưng dân làng Hòa Liễu vẫn gìn giữ lễ hội Minh Thề - Thề không tham nhũng như một nét đẹp truyền thống và một hình thức giáo dục, gắn kết cộng đồng.
Theo nghi lễ còn lưu truyền đến ngày hôm nay, trong lễ hội Minh Thề, chủ lễ cùng các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Đồng thời làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm. Các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.
Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, đều thề: "Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt". Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.
Vũ Tiến Dũng
(TTXVN)
;