Không quyết tâm sẽ khó giải án oan sai

Thứ Sáu, 26/02/2016, 15:15 [GMT+7]

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 tại Phiên họp 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, những năm qua, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được tăng cường. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án về tham nhũng thiết thực góp phần xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội),…

Cho ý kiến về báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, trong 5 năm qua, các vụ án lớn, nhất là nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm, trong đó có những nhân vật có ảnh hưởng xã hội rất lớn đã được đưa ra xét xử công khai, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhưng vẫn còn chậm.

Báo cáo cần chọn lựa nêu rõ những điểm nhấn như việc thực hiện Nghị quyết 49 về “Chiến lược cải cách tư pháp” của Bộ Chính trị đã thực hiện đến đoạn nào và ảnh hưởng đến ngành Kiểm sát trong giai đoạn tới ra sao.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu ngành Kiểm sát không quyết tâm, sẽ không nhận trách nhiệm về mình, dẫn tới khó giải được oan sai cho người bị oan. Việc đánh giá tình hình phòng, chống tham nhũng cũng rõ hơn nhưng cần tổng kết, làm rõ vai trò của Kiểm sát, nhất là hoạt động điều tra của Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đi sâu đánh giá khái quát hoạt động của ngành trong 5 năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động của ngành để có phương hướng trong nhiệm kỳ tới…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 11 dự kiến khai mạc vào 21-3 tới.

                                                                                        Ngọc Thành

                                                                                              (VOV)

;
.