Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011-2016

Thứ Năm, 04/02/2016, 23:24 [GMT+7]

Chiều 2-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ; một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính quyền địa phương các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra của Quốc hội và Chính phủ, chất lượng hoạt động của HĐND, UBND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Vị thế của HĐND ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. UBND các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, nghiêm túc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới đây, chính quyền địa phương cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp. Đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay và phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, sau gần 5 năm hoạt động, HĐND các cấp đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Các hoạt động tổ chức kỳ họp, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân có nhiều đổi mới. Phát huy được vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, một số địa phương đã chủ động, sáng tạo thí điểm áp dụng mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, HĐND các cấp còn có những vấn đề cần khắc phục: Chất lượng của đại biểu HĐND chưa đồng đều, một số đại biểu chưa phát huy được vai trò đại diện; hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc xử lý đơn thu khiếu nại tố cáo của công dân tại một số địa phương còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của UBND các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay và nhiệm vụ công tác trọng tâm trong thời gian tới. Báo cáo nêu rõ: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã bầu và trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn thành viên UBND các cấp bảo đảm đúng số lượng và chất lượng theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Trong nhiệm kỳ, cơ cấu thành viên UBND các cấp ở một số địa phương có sự thay đổi do thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị. Công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của UBND các cấp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo về việc tham gia xây dựng chính quyền địa phương nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Đất nước sau 30 năm đổi mới đã tạo thêm thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013 và cơ bản hoàn thành việc ban hành các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về tư pháp, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… theo tinh thần của Hiến pháp mới sẽ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để đạt được mục tiêu của năm 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp chính quyền địa phương phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ đã đề ra. Trước hết, phải tạo cho được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, quyết định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tế của địa phương, cần xác định yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao tính bền vững, sức cạnh tranh của từng sản phẩm và của toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, phải quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đấu tranh phòng chống, khắc phục các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Chính quyền địa phương phải đi đầu trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện có kết quả các chương trình hành động, góp phần thực hiện các cam kết về hội nhập, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trước mắt, cần chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. “Trên tinh thần Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử vừa được Bộ Chính trị tổ chức sáng nay, đề nghị các cấp ủy Đảng, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm phát huy dân chủ để cử tri lựa chọn, bầu được những người tiêu biểu, có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, xứng đáng đại diện cho Nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần tập trung vào các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2011 - 2016 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới 2016 - 2021; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đối với Hội đồng nhân dân, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, trong giám sát và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đối với Ủy ban nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch góp phần xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả./.

Kim Thanh

(Báo điện tử Đảng Cộng sản)

;
.