Viện kiểm sát nhân dân: Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Thứ Năm, 24/12/2015, 14:46 [GMT+7]
    Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Kiểm sát đã xây dựng lịch tiếp công dân của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) theo quy định; nhiều VKSND địa phương phối hợp tham gia tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, huyện. 
 
    Thực hiện đổi mới công tác tiếp công dân, VKSND các cấp đã gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đơn vị chuyên trách tiếp công dân thường xuyên rà soát và đề xuất những trường hợp khiếu nại, tố cáo cần được Viện trưởng tiếp để có biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện vi phạm, đề xuất với lãnh đạo Viện kiểm sát hướng xử lý, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu oan sai. Thông qua công tác tiếp công dân, VKSND đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện gay gắt, kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp công dân (tháng 8-2015)
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp công dân (tháng 8-2015)
    Trong năm qua (từ ngày 01-10-2014 đến 30-9-2015), VKSND các cấp đã tiếp 30.745 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 0,8%; tiếp nhận 76.484 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 0,8%. Trong đó, VKSND tối cao tiếp 2.840 lượt (lãnh đạo Viện tiếp 12 lượt); VKSND các địa phương tiếp 27.905 lượt; VKSND tối cao tiếp nhận 27.778 đơn; VKSND các địa phương tiếp nhận 48.706 đơn.
 
    Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, chủ yếu là khiếu nại, tố cáo về việc khởi tố hoặc không khởi tố trái pháp luật, bắt giam oan và các quyết định tố tụng khác trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Sau khi tiếp nhận, các khiếu nại, tố cáo này được ưu tiên thụ lý, xem xét giải quyết ngay, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần phòng ngừa, khắc phục oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong các hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố. 
 
    Trong năm, toàn ngành thụ lý 4.751 đơn/3.508 vụ, việc khiếu nại; đã giải quyết 4.509 đơn/ 3.358 vụ, việc, đạt tỷ lệ 95,7%. Trong đó: khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra: 704 đơn/501 vụ, việc, đã giải quyết 672 đơn/ 482 vụ, việc; đạt 96%; khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc VKS: 482 đơn/361 vụ, việc; đã giải quyết 452 đơn/ 329 vụ, việc; đạt 91%; khiếu nại hành vi, quyết định của người tiến hành một số hoạt động điều tra: 72 đơn/56 vụ, việc; đã giải quyết 70 đơn/54 vụ, việc, đạt 96,42%; khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: 49 đơn/ 41 vụ, việc; đã giải quyết 45 đơn/ 37 vụ, việc, đạt 90,2%; khiếu nại về kiểm sát thi hành án dân sự và các loại án khác: 63 đơn/ 38 vụ, việc đã giải quyết 56 đơn/35 vụ, việc, đạt 92%; khiếu nại khác liên quan đến hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND các cấp: 3.381 đơn/ 2.511 vụ, việc, đã giải quyết 3.214 đơn/ 2.421 việc, đạt 96,4%.
 
    VKSND các cấp thụ lý 198 đơn/151 vụ việc tố cáo; đã giải quyết 186 đơn/148 vụ, việc, đạt 98%. Trong đó: tố cáo hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc VKS: 41 đơn/ 22 vụ việc, đã giải quyết 22 vụ, việc; tố cáo hành vi tố tụng của người tiến hành một số hoạt động điều tra: 11 đơn/ 9 vụ việc, đã giải quyết 9 vụ việc; tố cáo việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: 02 đơn/01 vụ việc, đã giải quyết 02 đơn/01 vụ, việc; các tố cáo khác liên quan đến hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền VKSND các cấp: 184 đơn/ 144 vụ, việc; đã giải quyết 173 đơn/133 việc, đạt 92 %. 
 
    Nhìn chung, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND giảm (0,8%), số đơn đang xem xét, giải quyết hầu hết trong thời hạn luật định. Ngoài việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về quyết định, hành vi tố tụng của Viện kiểm sát, VKSND các cấp còn quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tư pháp khác thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND, như: Khiếu nại quyết định tố tụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra; khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý giáo dục phạm nhân; khiếu nại, tố cáo hành vi liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, VKSND đã xác định rõ một số vi phạm trong hoạt động tư pháp như: Cơ quan điều tra bỏ lọt tội phạm, không khởi tố vụ án hình sự; Cơ quan quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân có sai sót trong xếp loại, đánh giá phạm nhân. Sau khi giải quyết, xác định khiếu nại, tố cáo của công dân có cơ sở, VKSND đã yêu cầu hủy những quyết định trái pháp luật, đồng thời, kiến nghị khắc phục, sửa chữa, kịp thời, đảm bảo việc giải quyết đúng quy định của pháp luật. 
Chu Linh
(TTXVN)
;
.