Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác theo dõi thi hành pháp luật

Thứ Sáu, 04/12/2015, 14:23 [GMT+7]

Ngày 03-12, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Nghị định số 59/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành và các địa phương khu vực phía Bắc.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quan tâm và đẩy mạnh đã có tác động tích cực; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan đơn vị thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở các ngành, các cấp đã bước đầu được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả. Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được nâng lên một bước về cả số lượng và chất lượng.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành theo từng chuyên đề cụ thể như giao thông vận tải, công thương, y tế, cải cách hành chính... Ngoài ra, công tác theo dõi sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; sự tuân thủ của tổ chức, cá nhân; điều tra khảo sát thi hành pháp luật... cũng được chú trọng. Cụ thể, trong năm 2014, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức 1.959 cuộc thanh tra tại 3.154 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện 595 đơn vị có vi phạm, kiến nghị xử lý 460 tổ chức và 608 cá nhân, chấn chỉnh những tồn tại trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, đặc biệt chuẩn bị xây dựng những định hướng nhằm hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác thi hành pháp luật như: việc theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật chưa bài bản, khoa học; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn mang tính hình thức; công tác quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng...

Một số đại biểu cho rằng cần có giải pháp đột phá đổi mới về tổ chức và hoạt động của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật; tạo các điều kiện cơ bản và đầy đủ cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.

                                                                                        Thu Hương

                                                                                       (Bộ Tư pháp)

;
.