Nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản, tiếp cận công lý và cải cách tư pháp
Thứ Năm, 17/12/2015, 10:31 [GMT+7]
Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị đánh giá và chia sẻ kết quả nổi bật của Chương trình đối tác tư pháp và trong giai đoạn gia hạn. Các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, Chương trình đối tác tư pháp đã góp phần tích cực trong cải cách tư pháp tại Việt Nam.
Chương trình đối tác tư pháp là dự án hợp tác pháp luật do Liên minh châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ, chính thức khởi động từ 01-01-2010 và hết hạn vào ngày 30-6-2015, nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp tại Việt Nam với mục tiêu phát triển của Chương trình “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ và bảo vệ công lý”. Chương trình có tổng vốn viện trợ là 18,7 triệu Euro.
Quang cảnh Hội nghị |
Chương trình gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1: hỗ trợ các cơ quan nhà nước thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp. Chương trình nhằm hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch và tôn trọng quyền con người; tổ chức lại và hoàn thiện các cơ quan tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp; nâng cao năng lực của cán bộ tư pháp, luật sư, cán bộ trợ giúp pháp lý, các chuyên gia và chủ thể khác trong ngành tư pháp
Hợp phần 2: hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và luật sư. Chương trình hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam hình thành và đưa vào thực hiện các quy tắc và cơ cấu tự quản, quy tắc nghề nghiệp luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ được hỗ trợ để khẳng định mình là cơ quan đại diện cho lợi ích và quan điểm nghề nghiệp chung cũng như tổ chức đào tạo cho những người muốn trở thành luật sư và luật sư đang hành nghề.
Hợp phần 3: tăng cường năng lực của các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản, tiếp cận công lý và cải cách tư pháp.
Quá trình thực hiện dự án (bao gồm cả thời gian chính thức và gia hạn), Chương trình đối tác tư pháp đã tập trung hỗ trợ tích cực cho Bộ Tư pháp thực hiện và hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp và tăng cường năng lực cán bộ làm công tác tư pháp. Việc hỗ trợ thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại là một trong những kết quả nổi bật của Chương trình đối tác tư pháp. Với sự hỗ trợ rất tích cực, chế định này đã thực hiện thí điểm thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh một hợp phần dành riêng hỗ trợ cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, dự án cũng có 3/7 kết quả chính hỗ trợ cho các hoạt động nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực thực thi Luật sư và các văn bản có liên quan, tăng cường năng lực của đội ngũ luật sư…
Hà An
(Báo Đại biểu nhân dân)
;