Đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào giảng dạy tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Thứ Tư, 02/12/2015, 16:28 [GMT+7]
Ngày 01-12, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào giảng dạy tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có liên quan”. Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội thảo.
Theo Báo cáo tại Hội thảo, thực tiễn 10 năm triển khai Chiến lược cải cách tư pháp cho thấy, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cải cách tư pháp là cần có quyết tâm cao, trên cơ sở nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chủ trương, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Đảng. Chính vì vậy, nhiệm vụ “lồng ghép của nội dung chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp vào chương trình pháp luật; của hệ thống trường Đảng; các trường, cơ sở đào tạo luật; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp của các cơ quan tư pháp Trung ương đã được xác định tại Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15-8-2014 về “đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp”. Ban Chỉ đạo cho rằng, đây là một hình thức thông tin, tuyên truyền quan trọng vì đối tượng phổ biến, tuyên truyền là các sinh viên luật, các cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ tư pháp đang và sẽ công tác tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; hơn ai hết họ cần phải nhận thức được ý nghĩa chính trị, lịch sử, tầm quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Toàn cảnh Hội thảo |
Qua khảo sát 11 cơ sở đào tạo luật, đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp của Ban Chỉ đạo cho thấy , một số trường đã quan tâm đưa nội dung cải cách tư pháp vào chương trình giảng dạy, với các hình thức phong phú, sáng tạo, với các mức độ khác nhau, phù hợp với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đặc thù của từng trường như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Tòa án, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kiểm sát… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào giảng dạy như: Chưa có quy định của cơ quan có thẩm quyền về học phần chuyên sâu liên quan đến cải cách tư pháp trong chương trình khung của các trường; nội dung cải cách tư pháp được lồng ghép vào các học phần còn mang tính rời rạc...
Tại Hội thảo, các ý kiến tán thành sự cần thiết đưa chủ trương cải cách tư pháp vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo pháp luật, bồi dưỡng liên quan để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, học viên, sinh viên về chủ trương cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Đồng thời đề nghị cần thiết phải xây dựng khung pháp lý cho việc đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào giảng dạy nhằm tạo sự nhất quán trong tổ chức thực hiện.
Thu Hằng
;