Diễn đàn đối tác pháp luật 2015: Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam

Thứ Tư, 09/12/2015, 11:57 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 8-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật 2015 với trọng tâm là tiến độ thực thi khuôn khổ Hiến pháp mới và kết quả thực hiện cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người và quyền công dân.

Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn, với sự tham gia của đại diện các Ban của Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ.

Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Diễn đàn
Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: "Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã thiết thực góp phần vào những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong hơn một thập kỷ qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước... Nhờ đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao".

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn đối tác pháp luật lần này tập trung thảo luận về Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR và hệ thống tư pháp hình sự. Bà nói: "Nhân quyền và tư pháp hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; gần 40% các khuyến nghi Việt Nam chấp thuận có liên quan đến một khía cạnh nào đó của tư pháp hình sự. Và những sửa đổi gần đây trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự sẽ có tác động đến nhiều trong số các khuyến nghị này.

Bà Mehta hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR (các khuyến nghị của cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền). Bà nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường nâng cao nhận thức để tất cả mọi người, bao gồm các quan chức chính phủ, lãnh đạo khu vực tư nhân và xã hội dân sự, hiểu các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận và quyền của họ theo quy định của Hiến pháp và các hiệp ước quốc tế về nhân quyền.

"Cần bổ sung vào Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR một thời gian biểu bao gồm các so chuẩn để có thể đánh giá tiến độ một cách khách quan và cam kết nguồn lực cần thiết để thực hiện các kết quả đề ra," bà Mehta khuyến nghị.

Tại Diễn đàn, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trình bày tiến độ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp; đại diện Bộ Ngoại giao trình bày Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát; đại diện bộ Tư pháp trình bày những điểm mới trong Bộ luật hình sự sửa đổi và ý nghĩa của những sửa đổi này đối với việc thực hiện các khuyến nghị UPR của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc.

Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 11 được tổ chức sau khi Quốc hội Việt Nam kết thúc kỳ họp thứ 10, kỳ họp cuối trước khi tổ chức tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII và ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Các tham luận và ý kiến thảo luận tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin giúp Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm tiến tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược cải cách pháp luật, cũng như thực hiện tốt các bộ luật, đạo luật quan trọng mới được Quốc hội thông qua và các khuyến nghị UPR đã được Việt Nam chấp thuận. Kết quả của Diễn đàn cũng giúp cộng đồng quốc tế hiểu thêm về những nỗ lực, những khó khăn và thách thức của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trong công cuộc cải cách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp.

Hoài Bắc

;
.