Trưng cầu ý dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Thứ Sáu, 13/11/2015, 11:13 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 12-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trưng cầu ý dân.

Cơ quan thẩm tra nhất trí với tên gọi Luật trẻ em

Tờ trình dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nêu rõ, dự thảo luật đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004.

Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phát biểu tại Hội trường

Bổ sung quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em, tiếp cận theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. 

Dự thảo cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 7 chương với 106 điều, quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em” (Điều 2).

So với Luật năm 2004, dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.

Ban soạn thảo lý giải: người dưới mười tám tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. 

Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới mười sáu tuổi lên dưới mười tám tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhất trí đổi tên Luật thành Luật trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình. Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật thanh niên, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật. 

Đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội. 

Các vấn đề cụ thể về: sự công bằng trong hưởng thụ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em bậc học mầm non; chăm sóc thay thế; cơ chế điều phối liên ngành về công tác trẻ em; nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em... đã được cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm.

Cần quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân

Cho ý kiến dự thảo Luật trưng cầu ý dân, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân.

Việc quy định trong Luật trưng cầu ý dân để bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện trong thực hiện. Theo đó luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6) nhưng cho rằng quy định như dự thảo Luật quá chung, cần cụ thể hơn và chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật về các vấn đề được trưng cầu ý dân cho chính xác với quy định của Hiến pháp. 

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. 

Điều 6 đã được thiết kế theo hướng chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân nhưng xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở các Khoản của Điều này rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng. 

Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không, việc trình Quốc hội xem xét, thủ tục trình và xem xét như thế nào. 

Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống là vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Đại biểu lo ngại, điều này có nguy cơ làm cho quy định mang tính hình thức, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc. 

Trên có sở đó, đại biểu kiến nghị thiết kế Điều 6 theo hướng thật cụ thể, rành mạch về từng vấn đề, hoặc bổ sung thêm Khoản 5 để thi hành Điều này, với những hướng dẫn cụ thể về các “vấn đề đặc biệt quan trọng”.

Tán thành với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân tại Điều 6 của dự thảo Luật, đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất tại Khoản 1 của Điều 6, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi sửa đổi về 1 số điều của Hiến pháp chứ không chỉ là "toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp". 

Tại khoản 2 Điều 6 cũng cần khẳng định rõ Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với vấn đề đặc biệt quan trọng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Qua thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Theo đại biểu Trần Hồng Thắm: Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này.

Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. 

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân...

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đánh giá khiếu nại của công dân trong quá trình trưng cầu là vấn đề lớn, thể hiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh với những tiêu cực, sai sót trong quá trình trưng cầu ý dân. Vấn đề này cần được tôn trọng và bảo vệ. 

Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri; các vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân – vấn đề quan trọng thì dự thảo lại chưa đề cập đến. 

Đại biểu đề nghị cần quy định thêm chế định khiếu nại kết quả trưng cầu ý dân của công dân khi phát hiện kết quả đó không khách quan, chưa chính xác, có dấu hiệu gian lận trong kiểm phiếu, công bố kết quả. Trong đó cần quy định rõ nơi nào là nơi khiếu nại, nơi nào giải quyết khiếu nại, trong thời gian bao lâu.​

Về những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 9), đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm vấn đề này để bổ sung vào dự thảo; trong đó quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân như vấn đề thể chế chính trị, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội; không được đưa ra trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến thuế, ngân sách và nền tài chính quốc gia bởi vì đây là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao và rất am hiểu lĩnh vực này mới có thể đưa ra được quyết định hợp lý; đồng thời cũng thể hiện được tính rõ ràng, công khai, minh bạch trong quy định của Luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 26-11.

Quỳnh Hoa

 (TTXVN)

;
.