Thông qua chu trình đánh giá thứ 2 thực thi Công ước chống tham nhũng

Thứ Hai, 09/11/2015, 11:13 [GMT+7]
    Kỳ họp thứ 6 của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (CosP6) đã thành công tốt đẹp. Trong 5 ngày làm việc (02-6/11), Đoàn Việt Nam đã cử đại diện tham gia tích cực tại phiên toàn thể cũng như các phiên tham vấn bên lề, góp phần xây dựng và hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết quan trọng của Hội nghị. 
 
    Tại phiên họp toàn thể cuối cùng, các quốc gia thành viên đã thảo luận và thống nhất thông qua 11 dự thảo, bao gồm Tuyên bố Xanh Pê-téc-bua về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng do nước chủ nhà Liên bang Nga đề xuất; 9 Nghị quyết xoay quanh các nội dung liên quan đến việc đánh giá thực thi Công ước trong chu trình thứ hai, thu hồi tài sản, phòng ngừa tham nhũng, hợp tác quốc tế trong thu hồi, hồi hương tài sản tham nhũng và một số chủ đề khác; Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 của Hội nghị. 
 
Đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng
Đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng
    Với Nghị quyết về đánh giá thực thi Công ước được thông qua, Hội nghị đã quyết định khởi động chu trình đánh giá thứ hai đối với việc thực thi Chương II về Các biện pháp phòng ngừa và Chương V về Thu hồi tài sản từ năm 2016.
 
    Qua nghiên cứu, thảo luận và tham vấn, Việt Nam tuyên bố đồng bảo trợ Tuyên bố Xanh Pê-téc-bua về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng do nước chủ nhà Liên bang Nga đề xuất. 
 
    Theo đó, kêu gọi các quốc gia nâng cao nhận thức trong doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng, áp dụng các biện pháp nâng cao minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản và tài chính công, mua sắm công. 
 
    Việt Nam cũng bảo trợ nghị quyết về phòng, chống tham nhũng bằng việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công có hiệu quả thông qua áp dụng các thực tiễn tốt nhất và cải tiến công nghệ do A-déc-bai-dan đề xuất. 
 
    Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc xây dựng chính sách công, khuyến khích sử dụng dịch vụ công điện tử để góp phần nâng cao tính minh bạch, hạn chế tham nhũng. 
 
    Cùng với đó, bảo trợ Nghị quyết về Giáo dục phòng, chống tham nhũng do Cộng hòa Áo đề xuất. Nghị quyết này nhấn mạnh đầu tư vào giáo dục phòng, chống tham nhũng và tăng cường năng lực chuyên môn về phòng, chống tham nhũng là các biện pháp hiệu quả để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ quyền con người và củng cố pháp quyền; đề nghị các quốc gia thành viên thúc đẩy giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia; ủng hộ các chương trình đào tạo chuyên môn về phòng, chống tham nhũng, tận dụng hiệu quả các hoạt động xây dựng năng lực, các sáng kiến và bộ công cụ về phòng, chống tham nhũng.
 
    Đoàn Việt Nam cũng ủng hộ các nghị quyết khác; thống nhất việc khởi động chu trình đánh giá thứ hai đối với việc thực hiện Chương II về Các biện pháp phòng ngừa và Chương V về Thu hồi tài sản của Công ước vào năm 2016. 
 
    Các Tuyên bố, Nghị quyết và văn kiện được thông qua tại Hội nghị này là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tiếp tục thực hiện hiệu quả Công ước trong thời gian tới.
                                                                                      Hương Giang
                                                                                     (Báo Thanh tra)
 
;
.