Sẽ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu tham nhũng
Thứ Tư, 18/11/2015, 09:49 [GMT+7]
Ngày 17-11, trả lời chất vấn về “nạn” tham nhũng trước “hoàng hôn nhiệm kỳ”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn cho biết, sẽ tiến hành thanh tra đột xuất nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong năm 2016.
3 giải pháp của Thanh tra Chính phủ
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày thứ hai, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn những vấn đề liên quan đến chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án, công trình thủy điện; chính sách hỗ trợ và đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý thị trường, hội nhập kinh tế... Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về việc bổ nhiệm chức danh hàm không có trong luật; năng suất lao động; hội nhập ASEAN, việc nhà cao tầng vượt quá quy định nhưng cơ quan quản lý không biết; tình trạng không ngăn chặn được tin nhắn rác... Những câu hỏi này được các đại biểu Quốc hội dành cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
Dành câu hỏi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu rõ, tại các phiên chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Và hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Do đó, đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi, đâu là giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng Thanh tra Chính phủ để chặn đứng tình trạng quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh, với các hành vi vi phạm, gồm hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, bất động sản của công thành bất động sản tư; đề bạt, bổ nhiệm những đối tượng thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án trong thời gian vừa qua.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, năm 2016 sẽ có 3 giải pháp để thực hiện. Thứ nhất, trong Báo cáo của Chính phủ năm 2015 và những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016 có nêu, sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, các chủ trương phòng, chống tham nhũng. Do đó, trong quá trình triển khai các giải pháp đồng bộ trong năm 2015 và 2016, Thanh tra Chính phủ sẽ lưu ý đến vấn đề nêu trên. Thứ hai, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, của các tổ chức đoàn thể và vai trò của cán bộ công chức, viên chức, bằng cách giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tố giác hành vi tham nhũng nếu có, đến các cơ quan có thẩm quyền. Các tổ chức đoàn thể và các cấp ủy Đảng có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện tố giác nếu có các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thứ ba, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ động thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu tham nhũng qua kênh thông tin từ dư luận, qua thư tố giác, tố cáo từ dư luận và thông tin từ báo chí.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thông tin và truyền thông
Dành câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nêu thực trạng, hiện nay có tới 1.610 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép hoạt động. Nhưng thực tế cho thấy, có khá nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp sử dụng chiêu bài sao chép, cắt dán, lấy cắp thông tin từ các cơ quan báo chí làm thành sản phẩm của mình nhằm lôi kéo hấp dẫn công chúng. Một số trang thường tung tin với nhiều nội dung gây sốc, làm biến dạng thông tin theo hướng giật gân, khai thác sâu vào đời tư cá nhân hoặc bôi nhọ uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, gây hoang mang trong dư luận và tạo sự bất ổn trong xã hội. Đại biểu Phạm Thị Hải đặt câu hỏi, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp, lộ trình, thời gian cụ thể để khắc phục những tồn tại nêu trên hay không để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 69 của Quốc hội về việc tăng cường quản lý nhà nước về báo chí?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thẳng thắn nhận trách nhiệm khi để xảy ra những tồn tại nêu trên trong quá trình quản lý các trang thông tin điện tử. Để quản lý tốt hơn nữa việc phục vụ, khai thác và sử dụng trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp quan trọng, tiếp tục chấn chỉnh các sai phạm bằng các quy phạm pháp luật cụ thể. Các tỉnh, thành phố cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời vi phạm. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan, Bộ Công an phối hợp để hoàn thiện văn bản của pháp luật nhằm tăng cường quản lý hoạt động này. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nêu cao vai trò trách nhiệm của xã hội, trách nhiệm của công dân sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử; kêu gọi người dân cộng đồng trách nhiệm.
Trung Thành
(Báo Đại biểu nhân dân)
;