Phải chuẩn hóa thủ tục hành chính

Thứ Sáu, 27/11/2015, 14:45 [GMT+7]
    Ngày 30-11 là thời điểm các địa phương phải công bố thủ tục hành chính và chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nhưng cho đến nay, theo thống kê của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, mới có 17/24 bộ, cơ quan ban hành danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa.
 
    Từ tháng 10-2009, bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.700 thủ tục, trên 9.000 văn bản quy định và hơn 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính chính thức được đăng tải công khai trên internet.
 
    Qua 6 năm, với việc rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, không hợp lý, bổ sung các thủ tục mới, đến nay, trên cơ sở dữ liệu quốc gia này đã có 123.438 thủ tục, 4.468 văn bản quy định. Trong đó, các thủ tục có liên quan đến công chứng có tới 63.000 thủ tục, quyền sử dụng đất 32.100 thủ tục, đăng ký kinh doanh 40.600 thủ tục, cấp giấy phép xây dựng 11.400 thủ tục, chứng thực 28.600 thủ tục.
    
Người dân thực hiện nghĩa vụ thuế tại bộ phận “một cửa” Chi cục thuế Quận Bắc Từ Liêm (Cục thuế Hà Nội).
Người dân thực hiện nghĩa vụ thuế tại bộ phận “một cửa” Chi cục thuế Quận Bắc Từ Liêm (Cục thuế Hà Nội).
    Với số lượng thủ tục hành chính đồ sộ này, người tra cứu chẳng khác nào lạc vào một “ma trận”. Chỉ gõ từ khóa “đất đai”, cơ sở dữ liệu này đã cho ra tới 25.500 kết quả của các bộ, ngành, địa phương.
 
    Tìm theo tìm kiếm nâng cao, có tỉnh có tới hàng trăm kết quả liên quan đến đất đai nhưng cũng có địa phương chỉ có hai kết quả. Do không được chuẩn hóa, không đồng bộ, mỗi địa phương đặt tên thủ tục một khác nên cùng liên quan tới quyền sử dụng đất đã có đến 32.100 thủ tục.
 
    Ngay cả thành phần hồ sơ giải quyết cùng một thủ tục giữa các địa phương cũng có những yêu cầu hết sức khác nhau. 63 tỉnh thành là 63 thủ tục dẫn đến tổ chức, cá nhân khó tra cứu hoặc không tra cứu được, không chuẩn.
 
    Thậm chí, theo quy định của Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính của các cơ quan bộ, ngành phải được ban hành chậm nhất trước 20 ngày làm việc tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều bộ, ngành chậm trễ, nợ Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chậm công bố thủ tục khiến cho địa phương không thể cập nhật mặc dù thủ tục đã có hiệu lực thi hành.
 
    Ngày 06-01-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, với mục tiêu 100% thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền được chuẩn hóa, kịp thời công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
 
    Theo Bộ Tư pháp, hiện có rất nhiều văn bản quy định về thủ tục hành chính mới được ban hành và theo phương án đơn giản hóa của 25 Nghị quyết, có tới hơn 4.500 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, chính vì vậy, cần chuẩn hóa lại để công bố công khai kịp thời cho người dân, bỏ thủ tục cũ, cập nhật thủ tục mới. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính khi được công bố công khai phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, nên việc xem xét chuẩn hóa cũng là để rà lại về tên gọi, về các bộ phận cấu thành đã phù hợp với các quy định của pháp luật chưa.
 
    Như vậy, các bộ, ngành phải thống kê tất cả thủ tục hành chính từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thống kê thành một danh mục, chuẩn hóa tên thủ tục hành chính trước 30-4; ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính theo danh mục, gửi các tỉnh, thành để bổ sung, hoàn chỉnh bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương; đồng thời hoàn thành việc nhập dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trước ngày 31-8. Các thủ tục sẽ được niêm yết đầy đủ tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngay sau khi quyết định công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa theo từng cấp giải quyết được ban hành và phải hoàn thành trước ngày 31-12. Vai trò địa phương chỉ là cho ý kiến và phối hợp với bộ, ngành; rà soát, hệ thống, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành quyết định công bố bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương theo từng cấp giải quyết trên cơ sở quyết định công bố thủ tục hành chính đã được bộ, ngành chuẩn hóa. Khi đó, thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương sẽ thống nhất cùng một tên gọi, cùng một quy trình xử lý, thống nhất về cơ sở pháp lý.
 
    Tuy nhiên, thời điểm các địa phương phải công bố thủ tục hành chính và chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đã cận kề, nhưng hiện nay, vẫn còn tới 07 bộ, ngành đang triển khai, chưa phê duyệt danh mục thủ tục hành chính gồm các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Chính phủ. Việc chậm phê duyệt danh mục thủ tục hành chính tới nửa năm cũng đồng nghĩa với việc thể chế thủ tục đó như trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ thành phần… bị chậm lại, và khi không có đủ các điều kiện này, các địa phương sẽ không thể công bố, trừ những thủ tục hành chính đặc thù.
Vân Thanh 
(baotintuc.vn)
;
.