Tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ nữ phấn đấu, vươn lên
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác phụ nữ, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nghị quyết ghi rõ: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới".
Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ
Đánh giá về những kết quả quan trọng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ nữ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Ngay khi được ban hành năm 2007, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã được Hội Phụ nữ các cấp và phụ nữ cả nước đón nhận trong niềm phấn khởi.
Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Nghị quyết ra đời tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ, động viên khích lệ phụ nữ phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò của mình tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tháng 1/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Kết luận số 55 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ.
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 11, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được ban hành và tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động, sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |
Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra 3 chỉ tiêu: (1) phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. (2) phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. (3) phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có từ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, trong Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu: Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án rất đặc thù dành riêng cho phụ nữ: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010 -2015; Đề án “ Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp” giai đoạn 2013-2017; Đề án ”Cấp Báo Phụ nữ Việt Nam không thu tiền cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II”. Quá trình thực hiện, các đề án này đạt kết quả tốt.
Cùng với đó, vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong luật pháp được Quốc hội rất quan tâm. Luật bầu cử Quốc hội (sửa đổi) quy định tỷ lệ người ứng cử có ít nhất 35% là nữ, trước đây Luật chỉ quy định dành tỷ lệ thích đáng người ứng cử là nữ. Luật bảo hiểm xã hội đã có quy định cán bộ nữ ở cơ sở 55 tuổi chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là được hưởng chế độ hưu trí, trước đây quy định là 20 năm. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 có một điều quy định về bình đẳng giới: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Thực hiện Nghị quyết 11, việc ban hành và thực hiện chính sách về công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là quy định về kéo dài tuổi làm việc đối với các chức danh Thứ trưởng và tương đương là nữ ngang bằng độ tuổi của cán bộ, công chức nam là 60 tuổi; quy định tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học, người có học hàm, học vị cao.
Những chính sách, quy định trên đã tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, nhạy bén, năng động, sáng tạo, từng bước vươn lên, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân; đồng thời là công cụ để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ, phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử. Từ đó, vai trò, vị thế của cán bộ nữ được nâng lên và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, cơ quan, đơn vị và của cả nước.
Hiện nay, trên toàn quốc, tỷ lệ nữ sinh viên trong các trường đại học cao hơn nam giới; tỉ lệ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 40%, tỉ lệ nữ có trình độ tiến sĩ cũng tăng lên. Số giáo sư, phó giáo sư là nữ tăng lên hàng năm. Số giảng viên nữ trong các trường đại học, cao đẳng chiếm gần 50%. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh quản lý, lãnh đạo và cấp ủy các cấp đã tăng lên. Năng lực của cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác và chuẩn hóa theo chức danh.
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2016) có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%.18/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt từ 30% trở lên. Từ năm 2010 đến nay, nhiều thứ trưởng nữ được bổ nhiệm.
Những rào cản
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, trên thực tế, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức chung của một bộ phận chưa đầy đủ, sâu sắc về bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ nữ, còn biểu hiện coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chưa có một số chính sách đặc thù cho một số đối tượng, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trẻ. Hội Liên hiệp Phụ nữ thực sự chưa làm tốt vai trò, chức trách của mình trong việc tham mưu, đề xuất chính sách, tổ chức hoạt động, tạo điều kiện cho phụ nữ tiến bộ; trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác phụ nữ; tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn.
Trên thực tế, một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt và có xu hướng giảm: Nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ đạt 8,57%, nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,3%. Cán bộ nữ ở vị trí ra quyết định và hoạch định chính sách chiếm tỷ lệ thấp (Chủ tịch UBND và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 3-4%). Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, một số địa phương có chiều hướng đi xuống và không vững chắc, so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW còn khoảng cách rất lớn; đặc biệt đáng lo ngại khi ở nhiều tỉnh, thành, tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy rất thấp (dưới 15%).
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội mấy nhiệm kỳ qua có xu hướng giảm, chưa đạt chỉ tiêu 30%, nhiệm kỳ Quốc hội khóa X là 26%, Khóa XI là 27,31%, khóa XII là 25,76%, Khóa XIII là 24,4%.
Qua Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt gần 20%, tuy nhiên cấp tỉnh và cấp huyện không đạt chỉ tiêu 15%. Tính đến ngày 16/10, trong số các tỉnh, thành phố hoàn thành Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, hai địa phương có nữ Bí thư Tỉnh ủy là Ninh Bình và Vĩnh Phúc. Các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Nai có kết quả bầu tỷ lệ nữ trong ban chấp hành cao hơn quy định 15% và cao nhất là Sơn La đạt 21,82%. Các đảng bộ tỉnh, thành phố có kết quả bầu tỷ lệ nữ trong ban thường vụ trên 10% là: Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Kon Tum và Cần Thơ.
Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Chỉ thị 36 như: Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Giang, Quảng Trị, Đắk Nông, Kon Tum, Cà Mau, Ninh Thuận; đặc biệt thấp là 2 tỉnh Thái Bình (5,56%) và Khánh Hòa (3,85%). Một số địa phương, tỷ lệ cấp ủy viên là nữ đã giảm so với nhiệm kỳ trước, ví dụ như Thái Bình nhiệm kỳ trước đạt 11,1%, nhiệm kỳ này chỉ đạt 5,56%; Khánh Hòa nhiệm kỳ trước đạt 10,5%, nhiệm kỳ này chỉ đạt 3,85%. Đảng bộ Thái Bình và Khánh Hòa không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ.
Cần tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ nữ
Người đứng đầu tổ chức đại diện cho phụ nữ cả nước trăn trở: Mặc dù, các tỉnh chưa Đại hội xong, nhưng đây là vấn đề cần quan tâm, phân tích rõ nguyên nhân. Chúng tôi mong muốn, ngay sau Đại hội, các cấp ủy cần có rút kinh nghiệm về tổ chức Đại hội, trong đó có rút kinh nghiệm về việc chuẩn bị nhân sự nữ tham gia cấp ủy các cấp, nhất là cấp tỉnh, bởi nhiều tỉnh tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh thấp; cần đánh giá có bao nhiêu tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.
Năm 2016, nước ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các địa phương cần làm tốt đề án bầu cử. Để tạo điều kiện tốt cho các ứng cử viên nữ tham gia, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị trong cơ cấu đại biểu, cơ cấu đại biểu nữ không nên gắn nhiều với các cơ cấu khác (đại biểu trẻ, người dân tộc, người ngoài Đảng); khi sắp xếp đơn vị bầu cử, các ứng cử viên nam - nữ không quá chênh lệch về trình độ, vị trí; cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về sự đóng góp của phụ nữ trong thành tựu chung của đất nước, của các địa phương. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cần có đại diện tham gia vào các cơ quan tổ chức bầu cử. Các cấp Hội Phụ nữ cần làm tốt việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, tăng cường kiểm tra thực hiện quy định của Luật về tỷ lệ ứng cử viên nữ...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một lần nữa, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của từng gia đình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của công tác phụ nữ trong tình hình mới và tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, giữ chức vụ, vị trí chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đoàn thể sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các cán bộ nữ phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của mình. B ằng nghị lực, tài năng , sức sáng tạo, phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước . Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam; khẳng định vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác phụ nữ.
Hương Thủy
(TTXVN)