Kết quả công tác phòng, chống tội phạm của thành phố Đà Nẵng

Thứ Ba, 20/10/2015, 14:20 [GMT+7]

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Thành uỷ, UBND thành phố, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà nòng cốt là lực lượng Công an, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP).

Đồng chí  Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả tại hội nghị Thành ủy
Đồng chí Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả tại hội nghị Thành ủy

Đã tổ chức phát động các chuyên đề PCTP, ma tuý và tệ nạn xã hội tại 4.550 lượt cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư, tổ dân phố với hơn 200.000 lượt người tham dự. Quận uỷ Hải Châu tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 05-NQ/QU của Ban Thường vụ Quận ủy về “Tập trung lãnh đạo công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn ma tuý và tệ nạn cờ bạc trên địa bàn quận”. Quận uỷ Thanh Khê chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Quy chế phối hợp 4 lực lượng (Công an - Phòng Cháy và Chữa cháy - Quân Sự - Biên phòng) trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quận. Quận uỷ Sơn Trà ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác giáo dục, cảm hoá thanh thiếu niên hư vi phạm pháp luật. Ban Chỉ đạo 138 huyện Hoà Vang triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy và các loại tội phạm trong trường học, tổ chức các hoạt động truyền thông trong trường học. Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên tổ chức mít-tinh, ký cam kết, huy động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên tham gia tuần hành cổ động, triển lãm, giao lưu văn nghệ… tuyên truyền PCTP, tệ nạn ma tuý, mại dâm. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của thành phố.

 

Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng. Tội phạm xâm hại tài sản công dân chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Tội phạm giết người chủ yếu do nguyên nhân xã hội, nhất là mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm có xu hướng gia tăng. Phát hiện một số vụ buôn bán ma tuý tổng hợp với số lượng lớn, bằng nhiều thủ đoạn như: các đối tượng cấu kết hình thành đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý liên tỉnh, đối tượng tại chỗ liên kết với đối tượng từ các tỉnh phía Bắc để vận chuyển ma túy vào địa bàn thành phố tiêu thụ. Việc phối hợp trao đổi thông tin tội phạm giữa các lực lượng còn hạn chế, chưa chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến tình hình an ninh trật tự...

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể tuy có quan tâm đến công tác PCTP nhưng chưa quyết liệt, dẫn đến việc tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa gắn việc thực hiện chương trình quốc gia PCTP với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự ở một số ngành và đơn vị, địa phương còn bộc lộ nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho tội phạm gây án. Một số nơi vẫn còn tư tưởng xem trách nhiệm PCTP là của cơ quan chức năng nên chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTP. Công tác đấu tranh, PCTP của các ngành chức năng mà lực lượng Công an làm nòng cốt tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng có lúc, có nơi thiếu nhạy bén, kịp thời, quyết liệt. Công tác phối hợp tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự ban đêm chưa được thường xuyên, liên tục, kết quả đạt được còn hạn chế. Công tác quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự còn nhiều sơ hở; quản lý đối tượng, quản lý địa bàn chưa chặt chẽ; công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục và tạo điều kiện cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng tuy có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao. Công tác phối hợp triển khai các nghị quyết liên tịch giữa Công an với các ban, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên, đồng bộ, do vậy hiệu quả chưa cao. Liên ngành tố tụng Trung ương chưa có hướng dẫn thống nhất trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNSTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 dẫn đến nhiều vụ án ma túy ở địa phương bị trả để điều tra bổ sung đối với một số vụ án đã truy tố, một số vụ án bị đình chỉ, trả tự do cho các đối tượng đã có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy vì không còn mẫu để giám định hàm lượng hoặc hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được không đủ yếu tố cấu thành tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Qua kết quả công tác PCTP 5 năm qua của thành phố Đà Nẵng rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cơ sở đảng trong công tác đấu tranh, PCTP. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác tham mưu, hướng dẫn và tổ chức tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề để tập trung đấu tranh quyết liệt với các ổ, nhóm tội phạm có tổ chức chuyên cố ý gây thương tích, bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, mua bán ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản… quản lý chặt chẽ, không để số đối tượng này có điều kiện hoạt động, gây án. Huy động các lực lượng quân sự, công an, dân phòng, bảo vệ dân phố tham gia công tác PCTP theo Quyết định số 6743/QĐ-UBND ngày 07-9-2010 về thành lập lực lượng chống cướp giật và tội phạm khác trên địa bàn thành phố, Quyết định số 7661/QĐ-UBND về hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn dân cư của UBND thành phố và chi kinh phí của địa phương để các lực lượng này hoạt động. Chủ động nghiên cứu các văn bản mới, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình khi có những vấn đề bất cập phát sinh; chủ động phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các cấp, từ đó, kịp thời tham mưu, đề xuất hướng xử lý những vướng mắc phát sinh khi thực hiện các chủ trương, chính sách. Gắn công tác PCTP với các chương trình quốc gia PCTP, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người của Chính phủ, thành phố, đặc biệt là các chương trình an sinh xã hội.

Huỳnh Văn Thắng

(Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng)

;
.