Tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sau Phiên hợp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(BNCTW) - Sáng ngày 1-9, tại Hà Nội, để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp tháng 8 - 2015 về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, hoàn thiện dự án Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; Thường trực Ủy ban Tư pháp tổ chức cuộc họp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đại diện các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ… tham dự cuộc họp.
Về bổ sung một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, UBTVQH đề nghị bổ sung Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm hỗ trợ hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra chuyên trách đối với tội phạm có sử dụng công nghệ cao. Không tiếp tục giao cho cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số hoạt động điều tra.
Toàn cảnh cuộc họp |
Các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, UBTVQH đề nghị giữ thẩm quyền như quy định hiện hành do địa bàn hoạt động của các cơ quan này gần với Cơ quan điều tra chuyên trách nên khi phát hiệu vụ việc có dấu hiệu phạm tội thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này. Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, để đáp ứng tình hình thực tiễn do việc đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo nên UBTVQH đề nghị giao cho cơ quan Kiểm ngư thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội Biên phòng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 32 dự thảo Luật đã bổ sung 10 tội danh thuộc thẩm quyền điều tra của Đồn biên phòng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa và giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng Đồn biên phòng ở vùng sâu, vùng xa.
Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ giao cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thẩm quyền điều tra ban đầu và chuyển cho Cơ quan điều tra chuyên trách trong thời hạn 7 ngày; một số ý kiến đề nghị giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra đầy đủ để bảo đảm xử lý giải quyết vụ án được nhanh chóng, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan. Có ý kiến đề nghị giao UBTVQH quy định cụ thể số lượng Đồn biên phòng ở vùng sâu, vùng xa thay vì Chính phủ như đề xuất trong dự thảo, vì đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền tư pháp.
Về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra: UBTVQH cho rằng, để khắc phục hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý các tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ thì việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ là cần thiết, đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Tại cuộc họp, một số ý kiến tán thành với việc hợp nhất này. Một số ý kiến không tán thành việc sáp nhập để bảo đảm tính chuyên trách trong hoạt động điều tra đối với tội phạm tham nhũng; đáp ứng được yêu cầu về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Đối với việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, UBTVQH tán thành việc thành lập này nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp và dự báo trong thời gian tới vẫn tiếp tục gia tăng.
Về trách nhiệm của Công an cấp xã: Các ý kiến đều nhất trí với quy định của dự thảo Luật là không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã như Điều 44 của dự thảo Luật (tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang...).
Về cán bộ điều tra: Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị quy định trong dự thảo Luật về chức danh Cán bộ điều tra, về tuyển chọn, miễn nhiệm, cấp thu hồi Giấy chứng nhận cán bộ điều tra, Cán bộ điều tra có nhiệm vụ giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình; không có thẩm quyền ra quyết định trong hoạt động điều tra và không phải là người tiến hành tố tụng./.
Phương Thảo