Ngành Tòa án nhân dân: Phụng công thủ pháp, chí công vô tư
Ngày 9-9, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (13-9-1945/13-9-2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai và Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ III. Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Phụng công thủ pháp, chí công vô tư
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày nêu rõ: Ngay sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương thiết lập bộ máy Nhà nước cách mạng; trong đó có cơ quan Tòa án, một thiết chế tư pháp quan trọng của bộ máy Nhà nước.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm |
Ngày 13-9-1945, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập 11 ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Tòa án Quân sự để trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân mới được thành lập. Để hoàn thiện hệ thống Tòa án, ngày 24-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán. Như vậy, ngày 13-9 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của các Tòa án nhân dân Việt Nam.
70 năm qua, với những thay đổi về tổ chức, thẩm quyền, nhưng trong bộ máy Nhà nước, Tòa án luôn được khẳng định là cơ quan xét xử; nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, phong trào thi đua của các Tòa án nhân dân với chủ đề xuyên suốt là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư,” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” đã tích cực được triển khai, trở thành phong trào sôi nổi có sức lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.
Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương biểu dương và chúc mừng những thành tích to lớn đã đạt được trong 70 năm xây dựng và trưởng thành của Tòa án nhân dân các cấp.
Chủ tịch Nước nhấn mạnh, 70 năm qua, hệ thống Tòa án không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, các Tòa án đã nghiêm trị những phần tử phản cách mạng, những hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại đến lợi ích của đất nước, của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần trấn áp, đập tan các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, ngăn chặn có hiệu quả những tư tưởng tiêu cực, thu vén cá nhân, làm giảm sút ý chí chiến đấu; góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tòa án nhân dân tối cao |
Bước vào thời kỳ đổi mới, thẩm quyền của Tòa án Nhân dân đã được mở rộng. Tòa án Nhân dân đã có nhiều cố gắng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt là trong hơn 10 năm gần đây, thực hiện đường lối cải cách tư pháp của Đảng, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã không ngừng được đổi mới, phát triển.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của đất nước, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...; một trong ba trụ cột của quyền lực Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được trao cho Tòa án nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp nước nhà, chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch Nước quyết định bổ nhiệm.
70 năm qua, các Tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch nước căn dặn, ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân có những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức hết sức gay gắt. Các Tòa án nhân dân có những thuận lợi rất cơ bản, đó là chủ trương, đường lối của Đảng về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; vai trò, vị trí trung tâm của Tòa án đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và được thể chế hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; hoạt động của Tòa án sẽ được cải cách mạnh mẽ hơn nữa thông qua việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp và đảm bảo hoạt động xét xử là hoạt động trọng tâm của các hoạt động tư pháp.
Các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các Tòa án phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: “Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế cũng chưa đủ.Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng,” “Là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên phải nêu cao cái gương: phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo.”
Chủ tịch Nước tin tưởng, hệ thống Tòa án Nhân dân các cấp nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng tốt những yêu cầu đặt ra đối với công tác Tòa án Nhân dân trong tình hình mới.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tòa án Nhân dân; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Chánh án đầu tiên của Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Văn Bạch; trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Trần Kim Giám, nguyên Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ, Tòa án nhân dân tối cao./.
Nguyễn Cường
(TTXVN)