Hội thảo khoa học "Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều"

Thứ Ba, 15/09/2015, 16:46 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sáng 15-9, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN dưới sự chỉ đạo của Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – Tác động đa chiều”. TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN chủ trì Hội thảo. Các đại biểu thuộc Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội … tham dự Hội thảo.
Nội dung Hội thảo xoay quanh các vấn đề: bản chất, nội hàm của quyền im lặng; mối quan hệ của quyền im lặng với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, quyền im lặng nhìn từ Hiến pháp 2013; những bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện quyền im lặng, vai trò và thực tiễn việc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
    Quy định về quyền im lặng của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là quy định mới trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng không nên quy định “quyền im lặng” trong dự thảo BLTTHS vì quyền này đã được hiến định trong Hiến pháp 2013, việc thể chế hóa trong dự thảo Luật là không cần thiết. Đồng tình với quan điểm trên, có ý kiến cho rằng việc quy định “quyền im lặng” có thể dẫn đến việc người bị nghi phạm tội sẽ không hợp tác với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử qua đó gây khó khăn cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm, làm giảm hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm. 
 
    Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc quy định “quyền im lặng” của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Quyền im lặng thực chất là một biểu hiện của quyền bào chữa, xuất phát từ nguyên tắc “suy đoán vô tội” và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp do nóng vội điều tra, xử lý tội phạm mà cán bộ điều tra dùng những biện pháp trái pháp luật, ép buộc người bị nghi phạm tội phải cung khai hành vi phạm tội, dẫn đến không ít vụ án oan sai nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây. Việc quy định “quyền im lặng” trong dự thảo BLTTHS sẽ góp phần giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hình sự, hạn chế oan sai, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp 2013. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan điều tra phải nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ thuật phá án, không thể phụ thuộc vào truy xét, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.
 
    Tán thành với quy định về “quyền im lặng” trong dự thảo BLTTHS nhưng cũng có ý kiến e ngại về việc thực hiện quyền này trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam. Theo đó, nếu thừa nhận quyền im lặng, khi bị can, bị cáo đã có người bào chữa thì việc lấy cung bị can, bị cáo bắt buộc phải có mặt luật sư. Trong điều kiện Việt Nam chỉ có khoảng 10.000 luật sư, tính trung bình 10.000 dân mới có 01 luật sư; chỉ khoảng 20% vụ án có sự tham gia của luật sư, có những vụ án bị can bị lấy cung hàng trăm lần thì có bảo đảm sự có mặt đầy đủ của luật sư tại các cuộc hỏi cung không? Điều này có ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử nói riêng và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung hay không, vì lời khai thu nhận được từ hỏi cung nếu không có mặt luật sư thì không được coi là chứng cứ, không có giá trị chứng minh. 
Phương Thảo
;
.