Hà Tĩnh: Rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2014

Thứ Ba, 15/09/2015, 11:09 [GMT+7]
    Thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về việc rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương giai đoạn 2011-2014, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo tiến hành công tác rà soát nhằm đánh giá tình hình và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng theo quy định của pháp luật qua công tác thanh tra; những giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng qua hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội. Qua đó, xem xét, kiến nghị chuyển các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng đến Cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Một Hội nghị hướng dẫn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Hà Tĩnh
Một Hội nghị hướng dẫn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Hà Tĩnh
    Theo kết quả rà soát, trong giai đoạn 2011-2014, ngành Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành 249 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện các chương trình dự án... Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền trên 232 tỷ đồng, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi trên 53.165 m2 đất, xử lý khác về kinh tế gần 205 tỷ đồng (đến nay, 63% số tiền sai phạm về kinh tế đã được thu hồi); kiến nghị xử lý 174 tập thể và 331 cá nhân sai phạm; chuyển hồ sơ 06 vụ việc sang Cơ quan điều tra, đã khởi tố 04 vụ/32 bị can.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế trong khâu kiểm tra, đôn đốc, nhiều đơn vị được thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị xử lý sai phạm đã được chỉ ra tại các kết luận thanh tra. Thanh tra cấp huyện, lực lượng mỏng, năng lực quản lý kinh tế, xã hội hạn chế; thanh tra sở, ngành thực hiện các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội không nhiều, quy mô nhỏ, việc phát hiện, xử lý sai phạm về kinh tế hạn chế, một số cuộc thanh tra còn kéo dài. Một số kết luận thanh tra kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ ra cụ thể trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra. Một số hành vi tham nhũng không chứng minh được động cơ, mục đích vụ lợi để chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, một số quy định yếu tố định khung, định tội danh và lượng hình trong phân định vụ việc giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật; việc theo dõi, đôn đốc, việc chấp hành kết luận thanh tra có lúc có nơi còn chưa triệt để, quyết liệt. Quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh.
 
    Nhằm khắc phục những hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo ngành Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, phức tạp, xã hội và dư luận quan tâm. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kịp thời phát hiện những sai phạm, tồn tại, hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị chấn chỉnh kịp thời; góp phần chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. 
Hồng Hạnh 
(VOV)
;
.