Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014"
(BNCTW) - Sáng 27-8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014".
Đồng chí Kso'r Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì Phiên họp. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước phối hợp giải trình.
Đến dự còn có các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, một số tập đoàn, tổng công ty và nhiều cơ quan hữu quan khác.
Toàn cảnh Phiên giải trình |
Tại Phiên giải trình, các đồng chí Bộ trưởng đã trình bày Báo cáo giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc rà soát, sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, đến nay từ 185 nông trường đã sắp xếp còn 145 công ty; từ 256 lâm trường quốc doanh đã chuyển đổi thành 148 công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Nhà nước, 03 công ty cổ phần. Nhìn chung, các nông, lâm trường đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng đất; xác định rõ diện tích đất đai cần giữ lại để sản xuất kinh doanh chuyển sang hình thức thuê đất; chuyển giao một phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp về cho địa phương quản lý, góp phần tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, các nông, lâm trường hiện nay quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực, nhất là phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang thuê đất. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt; vẫn còn tình trạng để đất hoang hóa chưa sử dụng.
Tại Phiên giải trình, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, như: Việc giao cho UBND cấp xã quản lý 2,1 triệu ha đất trong khi nhiều đồng bào dân tộc không có đất để sản xuất, sinh sống đã đúng hay chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng nhiều công ty chưa chuyển sang hình thức thuê đất? Tại sao khoản nợ của các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi không hề giảm đi, thậm chí lại tăng lên? Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường còn chậm, tình trạng chồng lấn, lấn chiếm, tranh chấp phức tạp vẫn diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết? Tình trạng thất thoát quỹ đất, tài sản của nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng, một bộ phận đồng bào dân tộc không có đất sản xuất phải sang Trung Quốc làm thuê… Trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết những vấn đề nêu trên như thế nào và hướng khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn tại Phiên họp, các đồng chí Bộ trưởng đã nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quy hoạch sử dụng đất, rừng, trong hiệu quả sử dụng đất và trong việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường cũng như trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nguyên nhân được cho là đất xa dân, chất lượng xấu, không sử dụng được trong sản xuất nông, lâm nghiệp nên phải giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc xác định ranh giới… tốn nhiều thời gian và gặp rất nhiều vướng mắc do lịch sử để lại. Việc xác lập giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng của doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để doanh nghiệp thực hiện các quyền theo quy định của Luật Đất đai là một công việc hết sức phức tạp và kinh phí tốn kém. Trong khi đó, ngân sách của Nhà nước và nhân lực dành cho công việc này quá eo hẹp, chính quyền các cấp chưa dành đủ nguồn lực cũng như chỉ đạo quyết liệt để thực thi theo quy định pháp luật…
Phương Thảo