Thanh Hóa: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2015
Thứ Hai, 17/08/2015, 11:09 [GMT+7]
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thanh Hoá đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, tăng cường quan hệ, phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các văn bản luật đảm bảo tính khoa học, chuyên sâu trên cơ sở thực tiễn áp dụng, thi hành pháp luật, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2015 tại điểm cầu Thanh Hóa |
Giai đoạn 2011-2015, công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm được tăng cường; quá trình thụ lý điều tra, khởi tố không có oan sai, thực hiện đúng các quy định về thời hạn điều tra, các nguyên tắc, quy trình tố tụng theo luật định. Đã tiếp nhận 14.181 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã giải quyết 13.814 tin, đang giải quyết 367 tin. Cơ quan điều tra hai cấp đã điều tra, khởi tố 7.023 vụ án hình sự với 11.159 bị can. Công tác xét xử từng bước được đổi mới, đảm bảo tính công khai, dân chủ, bình đẳng trước pháp luật tại các phiên tòa; chất lượng xét xử được nâng lên, đảm bảo trình tự tố tụng, số lượng vụ án bị hủy hoặc sửa được hạn chế, không có án oan. Các cơ quan tố tụng luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình tiến hành tố tụng, nhưng công tác xét xử luôn độc lập khi quyết định bản án.
Việc hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp được quan tâm; mạng lưới dịch vụ luật sư được mở rộng theo nhu cầu của xã hội; tại các phiên toà có luật sư tham gia, chất lượng tranh tụng chuyển biến rõ nét. Hoạt động công chứng được mở rộng; toàn tỉnh có 3 phòng công chứng và 37 văn phòng công chứng; chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chứng viên và các tổ chức hành nghề từng bước được nâng lên.
Hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp tương đối ổn định, khẳng định tính vững chắc của căn cứ pháp lý và nâng cao tính thuyết phục trong các phán quyết của cơ quan tư pháp. Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp; đã điều động 36.676 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ đảm bảo an toàn 8.754 phiên tòa với 12.714 bị cáo. Việc thí điểm chế định Thừa phát lại góp phần giải tỏa một phần quá tải trong các hoạt động thi hành án dân sự. Đã có 3 văn phòng thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động tại thành phố Thanh Hóa và các thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn; các văn phòng đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với 10 đơn vị thi hành án dân sự và 2 đơn vị tòa án; thực hiện tống đạt 2.249 văn bản, lập 18 vi bằng.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược cải cách tư pháp; tích cực ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp với Viện kiểm sát hai cấp thực hiện 209 cuộc giám sát về các nội dung: giáo dục người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; cải tạo không giam giữ, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự. Phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh cử bào chữa viên nhân dân tham gia 18 vụ án có bị can là người dân tộc thiểu số, người chưa thành niên và phụ nữ không biết chữ.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Tỷ lệ án hủy vẫn còn, một số loại vụ việc giải quyết còn chậm. Số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cả hai cấp còn nhiều, thể hiện chất lượng hoạt động công tác của các cơ quan tư pháp hai cấp còn hạn chế. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực: giải quyết án dân sự, hành chính; tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự; khiếu nại, tố cáo... có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể hiện rõ nét vai trò của Viện kiểm sát trong đảm bảo tuân thủ triệt để pháp luật của các cơ quan tư pháp trong các hoạt động này. Công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan công an vẫn còn hạn chế thiếu sót, nhất là các tố giác, tin báo về trộm cắp tài sản chưa rõ đối tượng, lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tai nạn giao thông... Chất lượng điều tra một số vụ án hình sự có nơi, có lúc chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy trình tố tụng.
Trần Ngọc Hiền
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa)
;