Thái Bình: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
Thứ Hai, 24/08/2015, 10:08 [GMT+7]
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 48 tại Toà án nhân dân tỉnh |
Hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật từng bước được củng cố, kiện toàn. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã tuân thủ đúng quy định, trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật nói riêng do địa phương ban hành đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, điều chỉnh, giải quyết kịp thời các mối quan hệ của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Khả năng áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật được tăng cường. Các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm, qua đó đã phát hiện, khắc phục được nhiều sơ hở, hạn chế của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Vai trò giám sát, phản biện xã hội được chú trọng, chất lượng nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở tỉnh Thái Bình còn một số hạn chế: Quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở một số địa phương, ngành có lúc, có việc chưa đảm bảo theo quy định. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành còn hạn chế. Công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm từng cơ sở; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, phù hợp với nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật có việc chưa thường xuyên, liên tục, chặt chẽ. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của một số địa phương, đơn vị còn lúng túng; các hình thức theo dõi thi hành pháp luật còn đơn điệu; việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật chưa được triển khai thực hiện theo quy định. Quá trình thực thi pháp luật còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm song chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách thu hút cán bộ làm công tác pháp luật chưa đảm bảo.
Để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ngay từ khi Luật có hiệu lực thi hành; bảo đảm thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật do địa phương ban hành nhằm kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới văn bản, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật... Đồng thời, đề xuất nhu cầu xây dựng pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 với 18 nội dung; trong đó, ban hành mới 8 văn bản luật, 01 pháp lệnh và sửa đổi bổ sung 8 văn bản luật và 01 pháp lệnh.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình)
;