Kon Tum: Hoàn thành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 19/08/2015, 12:18 [GMT+7]
    Sau khi có Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW, ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh về kinh - tế xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 89-KH/TU, ngày 20-5-2015 về rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1657-QĐ/TU ngày 26-5-2015 thành lập Đoàn rà soát do đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn. 
 
    Đoàn rà soát đã tập trung nghiên cứu báo cáo tự rà soát của các ngành, địa phương, đồng thời trực tiếp rà soát, nghiên cứu hồ sơ thanh tra, nhất là báo cáo thanh tra của Đoàn thanh tra và kết luận thanh tra của người có thẩm quyền tại một số địa phương, đơn vị. Nhờ vậy, việc tổ chức thực hiện Hướng dẫn rà soát số 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương tại tỉnh Kon Tum được triển khai kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tiến độ thời gian và yêu cầu chất lượng.
 
Đoàn rà soát làm việc tại Thanh tra tỉnh
Đoàn rà soát làm việc tại Thanh tra tỉnh
    Kết quả rà soát cho thấy, trong 4 năm (2011-2014), toàn ngành Thanh tra tỉnh Kon Tum đã tiến hành 269 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 40.478.097.708 đồng; 209,9245 ha đất nông nghiệp, 256.229,7 ha đất rừng sản xuất và 5,399 ha đất quy hoạch khu kinh tế. Các sai phạm chủ yếu xảy ra trong quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư vào các chương trình, dự án là thanh toán vượt quá khối lượng thực tế thi công; trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, chặt chẽ; sử dụng lãng phí; ghi chép sổ sách không đầy đủ, hạch toán sổ sách kế toán không đúng quy định; trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là tại các Công ty nông lâm nghiêp chưa chặt chẽ; sử dụng đất được giao không đúng mục đích, để đất đai bị lấn chiếm, gây lãng phí không nhỏ tài sản của nhà nước.
 
    Với những sai phạm nêu trên, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 15.506.244.000 đồng, thu hồi 75,7825 ha đất nông nghiệp; xử lý khác về kinh tế 24.980.853.708 đồng, 256.229,7 ha đất rừng sản xuất, 134,142 ha đất nông nghiệp, 5,399 ha đất quy hoạch khu kinh tế. Đến nay, các tổ chức, cá nhân sai phạm đã nộp vào ngân sách số tiền 12.314.010.127 đồng, tỷ lệ 79,4%; thu hồi 27,503 ha đất nông nghiệp; hạch toán, điều chỉnh số sách kế toán và các nội dung khác theo các kiến nghị xử lý khác về kinh tế. Cùng với đó, các đơn vị đã tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 149 tập thể, 78 cá nhân có liên quan đến sai phạm; trong đó xử lý kỷ luật: khiển trách 04 người, cảnh cáo về đảng và chính quyền 03 người, buộc thôi việc 03 người... 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn những tồn tại, hạn chế cơ bản như sau:  
 
    Một số hành vi sai phạm xuất phát từ việc lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật trong quản lý kinh tế, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý chương trình, dự án... Tuy nhiên, các báo cáo, kết luận thanh tra chưa đi vào phân tích làm rõ, do vậy chưa có nhiều kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp.
 
    Chất lượng một số đoàn thanh tra còn thấp; một số kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chung chung, chưa chỉ rõ căn cứ pháp lý của các hành vi vi phạm. Do vậy, một số kiến nghị xử lý sai phạm của cơ quan thanh tra chưa có tính thuyết phục cao, gây tác động ảnh hưởng đến việc xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả và các vấn đề khác có liên quan sau thanh tra. 
 
    Một số cơ quan, đơn vị được thanh tra chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các kết luận thanh tra, né tránh, đổ lỗi cho khách quan hoặc đùn đẩy trách nhiệm; trong khi đó việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra của ngành Thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và còn nhiều hạn chế.
 
    Các hành vi có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện qua thanh tra chưa nhiều. Việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm chưa nghiêm túc, triệt để; cá biệt có trường hợp sai phạm chưa xử lý nhưng đã được điều động, bổ nhiệm giữ cương vị công tác hoặc chức vụ cao hơn. Chưa kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật chính quyền đối với những trường hợp đảng viên sai phạm.
 
    Để phát huy ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, Đoàn rà soát đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố  lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, như: chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công... để tiến hành thanh tra nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa sai phạm. Đối với các kết luận thanh tra đến nay chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa dứt điểm, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai sớm thực hiện dứt điểm./.
Thái Văn Ngọc
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;
.