Kết quả thực hiện Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tại Bộ Công an

Chủ Nhật, 09/08/2015, 03:17 [GMT+7]
    (BNCTW) - Nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân nắm vững Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ làm công tác pháp chế, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã chú trọng quán triệt, triển khai ngay từ ngày đầu Nghị quyết mới ban hành. Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Công an các địa phương, đơn vị đã xây dựng Chương trình, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết; hàng năm, 5 năm tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và có những kiến nghị, đề xuất phù hợp, có căn cứ thực tiễn và khoa học.
 
Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Công an với Công an các đơn vị, địa phương
Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Công an với Công an các đơn vị, địa phương
    Từ năm 2005 đến tháng 6-2015, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 11 luật và 08 pháp lệnh. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, hiện nay Bộ Công an đang chủ trì xây dựng 07 dự án luật, đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
 
    Bên Cạnh việc chủ trì soạn thảo, Bộ Công an tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, các luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các luật về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
 
    Để bảo đảm quy trình xây dựng pháp luật luôn được chặt chẽ, thống nhất, Bộ Công an đã ban hành Quy chế về xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong Công an nhân dân; Thông tư quy định về xây dựng, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong Công an nhân dân. Theo đó, đã quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở tất cả các khâu lập chương trình xây dựng văn bản, cho đến thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập; soạn thảo văn bản; tham gia ý kiến; tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia; thẩm định và trình cơ quan, người có thẩm quyền ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đặc biệt là các văn bản liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân, các quy định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 
 
    Kết quả tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Công an đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; quản lý xuất nhập cảnh; quản lý hành chính vê trật tự, an toàn xã hội; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; bảo về bí mật nhà nước; quản lý cư trú; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thi hành án hình sự, cụ thể là: 94 nghị định; 64 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì ban hành 92 thông tư liên tịch; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 566 thông tư; 61 quyết định và chỉ thị. Nội dung các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an đã bám sát, cụ thể hóa những quy định của văn bản cấp trên, đảm bảo tính phù hợp, thống nhất.
 
    Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, Lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh, bóc gỡ hàng trăm đầu mối nội gián, bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ; chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giải quyết nhiều điểm nóng, phức tạp. Công tác điều tra bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
 
    Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã khởi tố, điều tra 655.704 vụ án với 980.435 bị can về các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, trong đó đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 550.791 vụ án với 911.804 bị can (đạt 84% về số vụ án, 93% về số bị can). Chất lượng, hiệu quả điều tra ngày càng được nâng cao, tỷ lệ khám phá án đạt 76%, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 93%; đã điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng, triệt phá hàng nghìn các băng, ổ, nhóm tội phạm nguy hiểm có tổ chức, xuyên quốc gia.
 
    Từ năm 2005 đến tháng 5-2015, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành lập biên bản xử lý 55.464.255 trường họp vi phạm, với số tiền xử phạt là 17.187 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 2.426.583 trường hợp, đánh dấu vi phạm 605.020 giấy phép lái xe, tạm giữ 275.679 ô tô, 6.999.653 mô tô và 55.109 phương tiện khác. Từ năm 2006 đến tháng 5-2015, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 53.866 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 597 tỷ đồng. 10 năm qua, lực lượng Công an nhân dân phát hiện, xử lý vi phạm hành chính hàng chục nghìn trường hợp là tổ chức, nhân vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn công cộng; phòng cháy, chữa cháy; kinh doanh có điều kiện; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ3; quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam..., góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cho các quy định của pháp luật được đi vào thực tiễn cuộc sống.
 
    Trong lĩnh vực thi hành án hình sự, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án hình sự tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tổ chức thi hành nghiêm minh, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án các cấp. Việc tổ chức thi hành các hình phạt ngoài tù đã được chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bố trí, giám sát và quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật. Công tác quản lý tạm giam, tạm giữ và cải tạo, giáo dục phạm nhân ngày càng đi vào nền nếp, quyền và lợi ích của phạm nhân, người bị giam giữ được nâng cao và bảo đảm hơn, các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được bảo vệ an toàn, chủ động ngăn ngừa, xử lý các trường hợp phạm nhân, học viên trốn trại, gây rối, vi phạm nội quy; công tác giáo dục, cảm hóa, dạy nghề, giúp người đã chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng ngày càng có hiệu quả. Công tác tổ chức, thi hành xét đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức tốt việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc, góp phần thực hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
 
    Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện và sữa chữa, khắc phục những sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật trên thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ. Công tác thanh tra của ngành được tăng cường trên diện rộng và theo các lĩnh vực chuyên đề như thanh tra công tác thi hành án phạt tù; công tác bắt, tạm giam, tạm giữ; thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra việc thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; thanh tra hành chính; thanh tra chuyên ngành... 
 
    Nhìn lại kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, các thiết chế thi hành pháp luật trong Công an nhân dân luôn được đổi mới về tổ chức và hoạt động, bảo đảm cho các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự được thi hành nghiêm túc, các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Trong hoạt động, lực lượng Công an nhân dân luôn có tinh thần phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm cho pháp luật về an ninh, trật tự được thi hành được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống; mưu trí, dũng cảm kiên quyết tấn công, trấn áp, điều tra, khám phá tội phạm và vi phạm pháp luật, qua công tác chiến đấu đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình vì nhiệm vụ.
Hà Phương
;
.