Kết quả khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW tại thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 05/08/2015, 14:57 [GMT+7]
    (BNCTW) Thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong 10 năm qua, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 1.649 văn bản quy phạm pháp luật; cấp quận - huyện ban hành 4.078 văn bản; cấp xã (322 phường, xã, thị trấn) ban hành 6.594 văn bản. 
 
    Theo Nghị quyết 26/2008/NQ-QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội và Nghị quyết 724/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16-01-2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận tại một số huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-4-2009), từ tháng 4 năm 2009 đến nay, trên địa bàn Thành phố không còn văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, xã - thị trấn.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh vtv.vn)
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh vtv.vn)
    Công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ, chuyên đề nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật được coi trọng. Thành phố đã thực hiện tự kiểm tra 1.499 văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Tư pháp, các phòng chuyên môn thuộc quận - huyện thực hiện tự kiểm tra 11.658 văn bản. Sở Tư pháp đã thực hiện kiểm tra 1.790 văn bản theo thẩm quyền do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận - huyện ban hành; kiểm tra 7.836 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn ban hành. Qua đó, đã phát hiện, đề xuất xử lý nhiều văn bản có nội dung, hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật.
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật; các văn bản luật và văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương được triển khai thi hành kịp thời; chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách; tích cực tham gia góp ý các văn bản luật của các bộ, ngành hữu quan, các dự thảo luật quan trọng…
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật không những được chú trọng về nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục. Từ năm 2005 đến nay, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, quận - huyện đã tổ chức hơn 250.000 buổi tuyên truyền pháp luật với gần 25 triệu lượt người tham dự; biên soạn, phát  hành hơn 25 triệu tài liệu pháp luật; tổ chức gần 5.000 hội thi tìm hiểu pháp luật với gần 900.000 người dự thi; thực hiện 16.031 tin, bài, chương trình phát thanh pháp luật….
 
    Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật không ngừng phát triển về số lượng, nâng dần chất lượng và chuẩn hóa theo đúng quy định. Cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế của Thành phố năm 2005 có 169 biên chế, 68,05% có trình độ từ Đại học Luật trở lên; đến nay, có 270 biên chế, 69,63% có trình độ từ Đại học Luật trở lên.
 
    Cán bộ, công chức cấp quận, huyện làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế: Năm 2005 có 74 biên chế, 85,14% có trình độ từ đại học Luật trở lên; đến nay, có 110 biên chế, 84,45% có trình độ từ đại học Luật trở lên. Cấp phường, xã, thị trấn năm 2005 có 247 biên chế, 45,75% có trình độ Đại học Luật; đến nay, có 322 biên chế, 77,33% có trình độ Đại học Luật.
 
    Nhìn chung, thời gian qua, Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chủ động lãnh đạo, điều hành về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác xây dựng hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật theo thẩm quyền. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Thái Anh Hùng
;
.