Đánh giá quá trình phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn 2005 -2015

Thứ Sáu, 21/08/2015, 11:19 [GMT+7]
    Ngày 20-8, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá quá trình phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn 2005 -2015”.
 
    Theo báo cáo tại Hội thảo, giai đoạn 2005 – 2015, là thời kỳ Việt Nam tiếp tục duy trì đà cải cách, đổi mới vốn đã được khởi động từ hai thập niên trước đó. Ngay từ đầu giai đoạn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, văn kiện chính trị pháp lý đầu tiên của Đảng định hướng chiến lược cho sự phát triển của hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới. Nội dung Nghị quyết đã xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra nhiều định hướng chiến lược và giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của Nhà nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. 
 
    Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương đối đồng bộ, đang từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
    Một trong những lĩnh vực pháp luật trọng điểm cần được xây dựng mới, hoàn thiện, phục vụ sự nghiệp đổi mới chính là lĩnh vực pháp luật dân sự và kinh tế. Nhờ thực hiện các nỗ lực đổi mới, cải cách thời gian qua của các cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh; việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản.
 
    Thông qua trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề từ thực tiễn phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong 10 năm qua, Hội thảo đã chỉ rõ những ưu điểm nổi bật của quá trình phát triển, tập trung phân tích, làm rõ hơn những mặt còn hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất có giá trị nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với mục tiêu để pháp luật bao quát được hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và thật sự đi vào cuộc sống. 
Thu Hương
;
.