Bế mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 18-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 40.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh các nội dung tiếp sau ngay phiên họp này. Thứ nhất, hai ngày nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị Đại hội Quốc hội chuyên trách, họp trong 3 ngày, bao gồm 5 nội dung: Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, để các buổi thảo luận sâu, có chất lượng, tập trung vào các nội dung quan trọng. Thứ hai, cho rằng các phiên họp thứ Bốn mươi mốt, Bốn mươi hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây có nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chuẩn bị thật kỹ, để khi trình các nội dung ra Quốc hội bảo đảm chất lượng. Thứ ba, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phụ trách chuẩn bị chu đáo, triển khai các công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến thực hiện các quy định của Luật tổ chức Quốc hội.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa các quy định mới về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội; những đổi mới, cải tiến về công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục thực hiện xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp;…
Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Cho ý kiến vào nội dung dự thảo Nội quy trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội tại điều 4 dự thảo Nội quy chưa thể hiện được yêu cầu đề cao trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia kỳ họp Quốc hội. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, giữ các chức trách trong bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương song vẫn thu xếp thời gian dự họp đầy đủ. Tuy nhiên, cũng còn Đại biểu Quốc hội mặc dù không có chức trách kiêm nhiệm, song dự họp lại không thường xuyên. Chủ nhiệm đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, việc quy định trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội khi xin nghỉ vắng trong Nội quy viết chặt chẽ nhưng khó có tính khả thi. Chủ nhiệm đề nghị nên viết lại theo hướng phân đoạn tùy theo thời gian các buổi nghỉ. Nếu nghỉ cả kỳ họp thì bắt buộc báo cáo Chủ tịch Quốc hội; nếu nghỉ vài ngày thì báo cáo Tổng thư ký Quốc hội; nếu nghỉ một buổi hoặc trong vòng 1 ngày thì có thể giao cho Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội quyết định.
Cho ý kiến về quy định công dân có thể được mời dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội tại khoản 5, điều 8, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, Quốc hội vừa xây dựng và đưa vào vận hành Nhà Quốc hội - nơi Quốc hội họp, nơi thực hành nền dân chủ đại diện của nước ta, đây là điều kiện vật chất tốt nhất từ trước đến nay để Quốc hội đáp ứng việc mời người dân dự thính các kỳ họp. Việc mời người dân vào họp dự thính còn giúp cho việc nâng cao nhận thức của người dân về chế độ bầu cử, về nền dân chủ đại diện, về cách thức hoạt động của Quốc hội nước ta…, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho thanh niên, sinh viên. Thực tế từ năm 1946, Bác Hồ đã nói: Quốc hội họp công khai, công chúng có thể vào dự... Theo Phó chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh, trong Nội quy nên có một điều quy định riêng về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, hiện nay Quốc hội đã có Nhà Quốc hội, nên mở rộng diện dự thính là công dân. Về quy định Lễ tuyên thệ trong dự thảo Nội quy, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị gia công thêm. Dự thảo Nội quy quy định Lễ tuyên thệ là một phiên họp toàn thể, đề nghị sửa thành Lễ tuyên thệ được tiến hành trong phiên họp toàn thể. Mặt khác, không nên quy định Chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lên bục danh dự tuyên thệ trước Quốc kỳ bởi có trường hợp không phải cả 4 chức danh này cùng tuyên thệ trong một phiên họp. Hơn nữa, cân nhắc có nên quy định nội dung tuyên thệ cụ thể hơn không, có nên quy định thời gian tuyên thệ hay không?
Về quy định tại Điều 16 về thảo luận tại phiên họp toàn thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề, trong phiên họp toàn thể thì chủ tọa phiên họp có kết luận phiên họp hay không? Đây là vấn đề quan trọng. Qua thực tế thấy rằng, phiên họp toàn thể nào thì chủ tọa phiên họp cũng kết luận. Vậy nếu như chủ tọa có kết luận phiên họp thì cần phải quy định vào Nội quy. Nếu quy định thì cần phải quy định cụ thể là nội dung kết luận gồm những gì? Thời gian kết luận là bao lâu?
Trao đổi về hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội, nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị làm sao để hoạt động này hết sức dân chủ, thể hiện cuộc sống đang sôi động của đất nước. Đồng thời, phần trả lời chất vấn ngắn gọn, tập trung vào ý tưởng, nguyên tắc. Về kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, Chủ tọa có quyền kết luận phiên chất vấn, căn cứ vào nội quy của kỳ họp, và những nội dung bên hỏi và bên đáp; nhấn mạnh những vấn đề cần xử lý; yêu cầu người được chất vấn tiếp tục giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của người chất vấn.
Trần Hiếu - Tự Cường
(Báo Đại biểu nhân dân)