Vĩnh Phúc: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Tư, 22/07/2015, 14:53 [GMT+7]
    Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Sở Tư pháp tham mưu cấp ủy tiếp tục lãnh đạo công tác này trong tình hình mới. Ngày 14-7-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
 
    Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
 
    Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quán triệt để cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tôn trọng, gương mẫu chấp hành pháp luật, tich cực vận động gia đình và quần chúng nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
    Hai là, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, đồng thời tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, người đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục, thanh niên nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
 
    Ba là, tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Đại biểu HĐND có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và Nghị quyết của HĐND đến với cử tri; vận động cử tri chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Bốn là, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên mục, chuyên trang về phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời biểu dương người tốt việc tốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên.
 
    Năm là, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; gắn kết chặt chẽ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
    Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, hội viên; động viên nhân dân phát huy tính chủ động đối với hoạt động tư pháp; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tư pháp.
Nguyễn Thị Vân Anh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)
;
.