Vĩnh Phúc: Kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2015

Thứ Hai, 06/07/2015, 08:00 [GMT+7]

6 tháng đầu năm 2015, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được các cấp, ngành tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nư­­ớc, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và công trình phúc lợi công cộng, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế.

Các cấp, các ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước quán triệt thực hiện theo đúng quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được ban hành. Các đơn vị dự toán ngân sách tỉnh thực hiện quyền tự chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ đã chủ động trong cân đối, điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tiêu nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.

Một phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Một phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Kết quả, đã tiết kiệm từ dự toán chi thường xuyên dành để chi cải cách tiền lương toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 311,131 tỷ đồng. Việc tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên dùng để chi thu nhập tăng thêm và trích lập các quỹ ở một số đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ tiết kiệm được 60,3 triệu đồng; Ngành Y tế tiết kiệm được 5.660 triệu đồng, trong đó chi thu nhập tăng thêm 770 triệu đồng, trích lập các quỹ theo quy định 4.890 triệu đồng; Sở Tài chính tiết kiệm được 230 triệu đồng dùng để chi thu nhập tăng thêm, bình quân 630.000đ/người/tháng; Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tiết kiệm được 513,3 triệu đồng.

Công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng cơ bản các dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư đã thẩm định 51 dự án với tổng mức đầu tư trình phê duyệt là 2.171 tỷ đồng; qua thẩm định đã cắt giảm 44 tỷ đồng tương đương 6,5% giá trị đầu tư trình duyệt; dừng thẩm định 01 dự án để chuyển sang sử dụng bằng vốn của ngành điện. Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cấp huyện và cấp xã đã thẩm định 45 dự án mới với tổng mức đầu tư trình duyệt là 113,4 tỷ đồng; qua thẩm định đã cắt giảm 12,034 tỷ đồng tương đương 10,6% giá trị đầu tư trình duyệt.

Duy trì việc thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 61/2010QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyệt đối không mua sắm mới xe ô tô con cho các chức danh, cơ quan đơn vị; thu hồi 15 xe ô tô của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng hết khấu hao, cũ nát, hỏng hóc để tổ chức bán đấu giá theo quy định, hạn chế việc chi phí sửa chữa tốn kém, lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp.

Công tác quản lý và sử dụng đất đai theo Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đã và đang được triển khai có hiệu quả, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai đi vào kỷ cương, nền nếp, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.

Công tác quản lý khai thác khoáng sản đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, chú trọng giám sát chặt chẽ nên hầu hết các tổ chức cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đều chấp hành theo đúng quy định của pháp luật; các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước ở cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, góp phần đẩy lùi, hạn chế cơ bản tình trạng vi phạm trên địa bàn.

Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa được duy trì ở cả 3 cấp đối với 20 sở, ngành; 9 UBND huyện, thành, thị; 137 xã, phường, thị trấn ở 81 lĩnh vực. Trong đó cấp sở là 71 lĩnh vực, cấp huyện 5 lĩnh vực và cấp xã 4 lĩnh vực. Việc bố trí cơ sở vật chất và người trực tại bộ phận một cửa, việc ghi chép sổ theo dõi tiếp nhận và trả kết quả, phiếu hẹn ở nhiều cơ quan, đơn vị đúng quy định.

Việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông đang được thực hiện ở 04 đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực cấp đăng ký kinh doanh; Sở Tư pháp thực hiện trong lĩnh vực Quốc tịch, Hộ tịch, Lý lịch tư pháp; Sở Tài nguyên và môi trường liên thông lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư, thẩm định dự án, quyết toán. Đến nay UBND của 9/9 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã triển khai cơ chế một cửa liên thông.

Tiếp tục duy trì việc thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí theo quy định tại Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ và Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ đối với các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp. Đến nay có 20/20 sở, ban, ngành và 58/58 đơn vị sự nghiệp thực hiện theo quy định tại các Nghị định trên của Chính phủ và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, chương trình cụ thể của ngành Tài chính đảm bảo mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng; quản lý tài chính bằng pháp luật đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật và hiện đại hóa nền tài chính quốc gia…

Lê Hoài

(Bộ Tài chính)

;
.