Thành phố Hồ Chí Minh: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Hai, 06/07/2015, 07:56 [GMT+7]

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định, tạo cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo, điều hành các mặt phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cũng như góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.

Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian từ năm 2005 - 2015 không ngừng được cải thiện, từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp, từng bước lập lại kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Thành phố thường xuyên được kiểm tra, rà soát, loại bỏ những văn bản không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những văn bản có khiếm khuyết, thường xuyên được đánh giá, xác định hiệu lực. Chính vì vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đã phổ biến các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em, quốc phòng, an ninh; các quy định pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế… đến đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân; giúp người dân hiểu quyền, nghĩa vụ của mình, từ đó, có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và những người xung quanh. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, việc hiểu quy định pháp luật giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần phát hiện những quy định chưa phù hợp với thực tiễn để tổng hợp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Công tác thi hành pháp luật được triển khai thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời, việc hướng dẫn thi hành pháp luật được triển khai thực hiện ở hầu khắp các lĩnh vực quản lý và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng được yêu cầu quản lý và phù hợp với tình hình, thực tiễn quản lý trên địa bàn Thành phố.

Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân lực thực thi công tác xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố không ngừng được cải thiện, đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thực tiễn công tác tại Thành phố. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp có những chuyển biến tích cực, đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp với các đối tác nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau với các nước…qua đó góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến tích cực hay không và ngược lại. Do vậy, nhất thiết cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Do đó, cần phải có sự quyết tâm của người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trong đó xác định công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, xem kết quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và cơ quan, đơn vị.

Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là quá trình chiến lược lâu dài, trong đó có phân định thời gian cụ thể, do đó, trong quá trình thực hiện cần phải kiên trì, có lộ trình và bước đi thích hợp, việc chỉ đạo, triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm và có những giải pháp thực hiện phù hợp nhất trong từng giai đoạn thực hiện.

Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Để Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thành công, yếu tố quan trọng nhất và giữ vai trò quyết định, chính là nguồn nhân lực. Do vậy, cần phải coi trọng công tác tổ chức cán bộ, tập trung đầu tư cho công tác cán bộ một cách thích đáng; quan tâm đúng mức và thường xuyên tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật nói riêng, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm, năng lực công tác…

Thy Lan

(Báo Nhân dân)

;
.