Kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại Lai Châu
Thứ Ba, 21/07/2015, 15:19 [GMT+7]
(BNCTW) - Đoàn công tác số 11 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã làm việc với Tỉnh ủy Lai Châu nhằm kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kế hoạch tổng kết.
Đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Làm việc với Đoàn, về phía Tỉnh ủy Lai Châu có đồng chí Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo, đại diện một số cơ quan có liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của tỉnh Lai Châu cho thấy, trong 10 năm qua, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 712 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), HĐND và UBND cấp huyện ban hành 176.202 văn bản, đã điều chỉnh cơ bản các mối quan hệ xã hội, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hàng năm, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chương trình ban hành VBQPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định về Chương trình ban hành VBQPPL; giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan tham mưu chủ trì soạn thảo, cơ quan có trách nhiệm phối hợp và thời gian, tiến độ thực hiện. Công tác thẩm định văn bản được thực hiện hiệu quả, chất lượng. Hầu hết các VBQPPL của tỉnh được đăng Công báo, niêm yết, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản theo quy định. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên; qua rà soát đã phát hiện 39 văn bản cấp tỉnh, 79 văn bản cấp huyện cần sửa đổi, bổ sung và 63 văn bản cấp huyện phải bãi bỏ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Hàng năm tổ chức nhiều đợt tuyên truyền văn bản pháp luật. Toàn tỉnh có 291 công chức trực tiếp làm công tác pháp luật; trong đó công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có trình độ trung học chiếm 86%.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình, thủ tục ban hành VBQPPL có lúc chưa đảm bảo quy định, nhất là giai đoạn tỉnh mới chia tách, thành lập. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nội dung thực hiện chưa đạt yêu cầu; việc áp dụng pháp luật về quản lý đất đai trong công tác bối thường, hỗ trợ tái định cư còn lúng túng… Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ban hành VBQPPL. Một số VBQPPL của trung ương có nội dung không thống nhất, thiếu tính đồng bộ khi triển khai thực hiện; có lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đầu tư xây dựng, ngân sách, quản lý đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư thường thay đổi nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhân dân.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo, một số ý kiến trong Đoàn công tác đề nghị cần phải xác định rõ những đặc điểm nổi bật của tỉnh Lai Châu, từ đó xác định những điểm đặc trưng trong công tác thi hành pháp luật của tỉnh; làm rõ những hình thức công khai thông tin, VBQPPL ở cấp huyện, cấp xã, địa bàn vùng sâu, vùng xa, những vướng mắc, khó khăn. Bổ sung thêm số liệu, tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai; tình hình sinh hoạt tôn giáo của bà con, dân tộc và việc áp dụng chính sách pháp luật về tôn giáo trên địa bàn tỉnh…
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị tại tỉnh Lai Châu. Đồng chí nhấn mạnh, Tỉnh ủy cần quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút cán bộ đến công tác tại tỉnh; quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật để phát hiện, loại bỏ những quy định không còn phù hợp…
Phương Thảo
;