Khảo sát, kiểm tra việc triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại Hà Nội
(BNCTW) - Ngày 23-7-2015, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội nhằm khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch tổng kết. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng tham gia Đoàn công tác.
Dự buổi làm việc, về phía Thành ủy Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; lãnh đạo UBND, đại diện các cơ quan chức năng của Thành phố.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, lãnh đạo Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết tới các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ; Hội đồng nhân dân, UBND thành phố đã ban hành 135 Nghị quyết, 1.325 quyết định, 121 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào những chủ trương, chính sách và biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của thủ đô; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; công khai, minh bạch và đảm bảo quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố; rà soát, kiểm tra việc thi hành pháp luật, qua đó kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về những bấp cập, những quy định không có tính khả thi; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Thành phố đã có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ mang tính đột phá, đặc thù của Thủ đô trong việc quản lý đô thị; xác định các giải pháp xây dựng, thi hành pháp luật thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, còn một số hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa đầy đủ; một số quy định có nội dung không phù hợp với văn bản cấp trên; việc ban hành luật và văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa theo kịp thực tiễn.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã nêu rõ thêm một số nội dung trong báo cáo. Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Sau 10 năm triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, đóng góp trên mọi mặt đời sống xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố ban hành đã đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, công dân trong việc tuân thủ pháp luật. Tiếp thu những ý kiến của Đoàn khảo sát, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền; xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước đã có nhiều tiến bộ; hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố chọn lọc, tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo gửi Ban Chỉ đạo đảm bảo tiến độ; kiện toàn, tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ trong việc xây dựng và thực thi pháp luật; rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Thủ đô.
Cù Tất Dũng