Hòa Bình: Hiệu quả tích cực từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thứ Ba, 21/07/2015, 10:54 [GMT+7]
    Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh; chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc triển khai thực hiện. 
 
    Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã tổ chức quán triệt nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở do đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy làm trưởng ban; ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; giao cho đồng chí chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc triển khai QCDC ở các xóm, bản, khu dân cư. Định kỳ hàng năm, tiến hành kiểm tra đối với các chi bộ, tổ, xóm trong việc triển khai, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Hằng năm các xã, phường, thị trấn báo cáo công khai dự toán và quyết toán ngân sách của địa phương, quy hoạch đất đai; công khai việc thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; công khai việc bình xét hộ nghèo ở khu dân cư, việc đầu tư các chương trình dự án,... trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết tại trụ sở xã, phường, thị trấn, nhà văn văn hóa xóm, bản, khu dân cư hoặc thông qua hội nghị nhân dân.
 
    Hiện nay, 100 % các xã, phường, thị trấn có bộ phận nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông để giải quyết các công việc có liên quan đến tổ chức và cá nhân. Lãnh đạo xã, phường, thị trấn tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; những vấn đề nổi cộm, bức xúc được quan tâm chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở thông qua hệ thống tổ hòa giải. Do vậy số đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hàng năm ở nhiều địa phương giảm và không có. 
 
    Về kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chỉnh, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, hằng năm, cấp ủy các cơ quan, đơn vị đều có nghị quyết triển khai việc thực hiện QCDC ở đơn vị và coi đây là một công tác trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Đưa việc thực hiện QCDC là một tiêu chuẩn bình xét tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Ban thanh tra nhân dân của các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra việc quản lý, điều hành của thủ trưởng nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định.
 
    Các cơ quan hành chính sự nghiệp đã thực hiện tốt QCDC gắn với cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Việc đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2000, 9001 : 2008 và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết hồ sơ đã làm thay đối tích cực lề lối làm việc của các cơ quan Nhà nước. Việc thực hiện QCDC ở các cơ quan, đon vị ngày càng đi vào chiều sâu có nền nếp; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng được nâng cao.
 
    Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình doanh nghiệp theo tinh thần Nghị định số 07/1999/NĐ- CP; Nghị định số 87/2007/NĐ- CP và Nghị định số 60/2013/NĐ- CP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% các doanh nghiệp Nhà nước đã ban hành nội quy, quy chế thực hiện công khai dân chủ, thành lập Ban thanh tra nhân dân. Hằng năm đã tổ chức đại hội công nhân, viên chức, người lao động, đại hội cổ đông... Tạo điều kiện cho người lao động tham gia ý kiến vào các quy chế, quy định, kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Duy trì và tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo với người lao động.
 
    Nhìn chung, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng gắn bó, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Nhận thức về dân chủ và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã được nâng lên rõ rệt hơn. 
 
    Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Không khí dân chủ trong nhân dân đã có những bước tiến bộ mới. Cử tri phấn khởi lựa chọn, giới thiệu người có uy tín, đủ năng lực và trình độ tham gia bộ máy chính quyền các cấp.
 
    Chính quyền các cấp đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách về kinh tế giúp nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Gắn việc thực hiện QCDC với cải cách hành chính, tăng cường công tác dân vận chính quyền. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, lợi dụng dân chủ gây rối mất ổn định chính trị, an toàn xã hội, chuyên quyền độc đoán, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bùi Hoàng
(Đại đoàn kết)
;
.