Phú Yên: Ý nghĩa từ mô hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/05/2015, 16:54 [GMT+7]

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị triển khai từ năm 2006. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, cùng với cả nước, Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 14-02-2014 về triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Qua hơn 01 năm chỉ đạo triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự gắn kết sâu sắc, mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tổ chức đảng, chính quyền với các hộ nghèo, nhân dân địa phương, góp phần củng cố tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (phải) thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo tại xã Xuân Thọ 1, TX Sông Cầu - đơn vị Tỉnh ủy phân công Ban giúp đỡ
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (phải) thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo tại xã Xuân Thọ 1, TX Sông Cầu - đơn vị Tỉnh ủy phân công Ban giúp đỡ

Qua thực tiễn triển khai, đa số các cấp ủy, cơ quan, ban, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh đều nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình, từ đó tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, đã huy động công sức, trí tuệ và các nguồn lực xã hội để giúp đỡ các xã, thôn (buôn) đặc biệt khó khăn và hộ nghèo. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều đồng tình, tích cực và tự giác trong thực hiện mô hình, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được phân công giúp đỡ hộ nghèo luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có cơ sở tham mưu, đề xuất cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị những nội dung, biện pháp giúp đỡ phù hợp, giúp các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã chủ động phối hợp, thảo luận, thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch giúp đỡ với đại diện cấp ủy đảng, chính quyền địa phương được giúp đỡ. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách triển khai thực hiện từng công việc, đề ra thời gian, lộ trình, tiến độ thực hiện các nội dung giúp đỡ; định kỳ, các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo các ban, ngành trong huyện phối hợp đảng ủy các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá điều kiện kinh tế, khả năng lao động của các hộ nghèo làm cơ sở để các cơ quan được phân công giúp đỡ xem xét lựa chọn, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, khả năng vươn lên thoát nghèo và thống nhất phương án giúp đỡ phù hợp.

Hơn 01 năm thực hiện, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ 62 xã (19 xã miền núi đặc biệt khó khăn, 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn, 27 xã nghèo còn khó khăn), với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị và đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng của các địa phương được chọn giúp đỡ như: hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác; xây dựng tủ sách pháp luật; làm đường liên thôn; chỉnh trang, hỗ trợ thiết bị cho các trạm y tế xã, các trường học; làm đèn chiếu sáng đường quê; tuyên truyền, tư vấn pháp luật; xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc cho gia đình chính sách, hộ nghèo... Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã phân công giúp đỡ 61 thôn (buôn); các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hình thức giúp đỡ thiết thực như: trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, chỉnh trang trụ sở thôn (buôn), xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng cộng cộng, làm đường liên thôn, tổ chức thăm hỏi, trao quà cho gia đình chính sách, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Tổng giá trị kinh phí của các cơ quan, địa phương, đơn vị giúp đỡ cho các xã, thôn (buôn) khó khăn, hộ nghèo đến nay ước trên 8,2 tỉ đồng. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, thị, thành phố còn vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng với điều kiện sẵn có của đơn vị đã giúp đỡ cho các hộ nghèo khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền khoảng 13,4 tỉ đồng.

Hiện nay, đã có trên 3000 hộ nghèo được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh chọn, giúp đỡ, thông qua các hình thức phổ biến như: xóa nhà ở tạm; cho mượn vốn kinh doanh; hỗ trợ cây giống, con giống; mượn vốn chăn nuôi; cho mượn đất sản xuất; tư vấn, tạo điều kiện cho vay vốn; hỗ trợ tiền hàng tháng (đối với những hộ già, neo đơn, không còn sức lao động); tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng; tặng các vật dụng sinh hoạt trong gia đình; đỡ đầu cho con em các hộ nghèo có tinh thần vượt khó học giỏi đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông; tặng quà nhân dịp lễ, Tết... Các gia đình được giúp đỡ rất phấn khởi, có ý thức hơn trong việc tăng gia sản xuất, từng bước cải thiện đời sống, tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khơi dậy mạnh mẽ ý thức vươn lên tự làm chủ để từng bước thoát nghèo. Qua đánh giá sơ bộ, đã có khoảng 15% trong tổng số hộ nghèo được các cơ quan, đơn vị và cá nhân giúp đỡ cơ bản thoát nghèo; nhiều hộ nghèo có thu nhập ổn định, cuộc sống khá hơn trước, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện mô hình vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, với những nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân tích, đánh giá để có những giải pháp chỉ đạo, triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa và nội dung triển khai thực hiện mô hình; các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ tăng cường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền cơ sở để xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện mô hình đảm bảo sát với khả năng của từng cơ quan, đơn vị và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện của thôn (buôn) đặc biệt khó khăn, hộ nghèo cần giúp đỡ; nghiên cứu triển khai xây dựng Quy chế phối hợp để quá trình thực hiện đảm bảo chặt chẽ, thống nhất; chú trọng đa dạng hóa các nội dung, phương thức giúp đỡ, gắn với việc phân công cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; thường xuyên tổ chức đánh giá, sơ, tổng kết việc thực hiện để đảm bảo quá trình lãnh đạo, chỉ đạo được thường xuyên, chặt chẽ; UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia có liên quan đến công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất và đời sống; chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới…

Có thể nói, chỉ hơn 01 năm triển khai thực hiện, mô hình đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị nhân văn sâu sắc của mô hình gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đa số cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện mô hình, xác định rõ đây là mô hình mới, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ chính trị đang đặt ra hiện nay nên tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy, cơ quan, địa phương triển khai nhiều nội dung giúp đỡ thiết thực, góp phần tạo sự gắn bó giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp, các ngành luôn đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Thông qua mô hình, đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; từng tổ chức, cơ quan, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với Nhân dân, với Đảng. Qua đó, đã có tác dụng từng bước đẩy lùi tình trạng quan liêu, xa dân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay.

Lê Ngọc Hơn

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)

;
.