Ninh Bình: Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo

Thứ Ba, 12/05/2015, 16:19 [GMT+7]
    Để triển khai thi hành Luật tố cáo 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 01 lớp quán triệt và tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 150 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ, công chức các sở, ban, ngành cấp huyện và xã trong tỉnh. Trong đó tập trung nội dung tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo; cấp phát 945 cuốn tài liệu về Luật khiếu nại, Luật tố cáo cho đại biểu. 
 
    Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức 12 Hội nghị quán triệt, tuyên truyền về Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành tại 13 xã với tổng số 1.163 lượt người tham dự.
 
Đầu cầu Ninh Bình dự Hội nghị trực tuyến về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài
Đầu cầu Ninh Bình dự Hội nghị trực tuyến về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp,
tồn đọng, kéo dài
    Từ ngày 20-11-2012 đến ngày 20-02-2015, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 106 đơn tố cáo, trong đó tố cáo liên quan đến tham nhũng là 07 đơn, tố cáo khác là 99 đơn. Có 32 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 50 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 24 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Kết quả, đã giải quyết được 90 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền; có 09 vụ việc tố cáo đúng, 65 vụ việc tố cáo sai; 16 vụ việc có đúng có sai. 
 
    Trong quá trình tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn tố cáo, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự các quy định về bảo vệ người tố cáo. Có 04 người tố cáo yêu cầu bảo vệ, trong đó có 01 yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin, 03 người yêu cầu bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm, bảo vệ vị trí công tác, việc làm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo. Các cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu bảo vệ đã áp dụng các biện pháp bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật, không có người tố cáo bị trả thù, bị đe dọa trả thù. 
 
    Theo UBND tỉnh Ninh Bình, tố cáo và giải quyết tố cáo góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và ổn định tình hình kinh tế - xã hội. 
 
    Tuy nhiên, thực tiễn của công tác giải quyết tố cáo cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng và thực hiện đối với một số quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo; một số nội dung cần làm rõ và quán triệt để các quy định này đi vào đời sống xã hội và có hiệu lực trên thực tế, như quy định về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; căn cứ để yêu cầu bảo vệ; quan hệ phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong bảo vệ người tố cáo.
 
    UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể làm rõ một số tình huống, hành vi, tiêu chí có thể được coi là “có căn cứ” để người tố cáo yêu cầu bảo vệ hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ, được quy định tại Mục 2,3, Chương III của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP. Để phối hợp bảo vệ người tố cáo được tốt thì cần phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể như: trong trường hợp nào thì người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an cấp nào; thời hạn bao lâu thì cơ quan, cá nhân được yêu cầu phải tiến hành thực hiện các biện pháp bảo vệ… và chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo theo yêu cầu. Ngoài ra, việc bảo vệ người tố cáo cũng phải gắn với việc bảo vệ những người cung cấp thông tin, hỗ trợ người tố cáo, người nắm giữ các thông tin, tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo…
 
    Về chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, cần phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo, trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; mặt khác, cần thiết phải quán triệt sâu sắc ý nghĩa và nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tham gia vào quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố cáo nói chung, về bảo vệ người tố cáo nói riêng để người dân hiểu và yên tâm tham gia tố cáo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong các trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng…
Chu Linh
(TTXVN)
;
.