Hội nghị triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW khu vực phía Nam
(BNCTW) - Ngày 15-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tổng kết cho hơn 130 đại biểu đại diện Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, Sở Tư pháp các địa phương khu vực phía Nam.
Các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị |
Theo Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW do đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày, việc tổng kết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam 10 năm qua với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Các nội dung tiến hành tổng kết gồm: Kết quả quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, theo đó cần tập trung đánh giá việc phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết; việc thể chế hóa các định hướng, giải pháp được nêu trong Nghị quyết; kết quả và những hạn chế.
Về kết quả xây dựng pháp luật, tổng kết việc thực hiện 06 định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết, gồm: (1) Về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XNCH Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (2) Về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; (3) Về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) Về giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; (5) Về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; (6) Về hội nhập quốc tế. Đồng thời, đánh giá việc thực hiện 07 giải pháp về xây dựng pháp luật, gồm: (1) Xác định các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật; (2) Đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật; (3) Nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội; (4) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật; (5) Hiện đại hóa phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật; (6) Hoàn thiện pháp luật về Công báo; (7) Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán.
Về thi hành pháp luật, tổng kết việc thực hiện 05 giải pháp về thi hành pháp luật đã được đề ra trong Nghị quyết, gồm: (1) Phát triển hệ thống thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật dài hạn; (2) Cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trọng tâm là hoạt động xét xử của tòa án theo nội dung Chiến lược cải cách tư pháp; (3) Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước; (4) Bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, công chức làm công tác pháp luật; (5) Huy động các nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã thể hiện sự quán triệt nghiêm túc Quyết định số 277-QĐ/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 01-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo; bày tỏ sự thống nhất cao với đề cương, phụ lục hướng dẫn; đồng thời tích cực trao đổi, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực.
Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị thời gian tới, các đại biểu tập trung cao, dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ để tham mưu cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quyết liệt việc tổng kết Nghị quyết 48 theo sát mục tiêu, yêu cầu và các nội dung đã nêu trong Kế hoạch, bảo đảm hoàn thành Báo cáo tổng kết đúng tiến độ với chất lượng cao.
Đồng chí nhấn mạnh, nội dung Báo cáo sẽ không dừng ở việc đánh giá thực trạng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong 10 năm qua với các số liệu thống kê, mà từ đó, cần rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ nhận thức lý luận đến tổ chức công việc thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này của Bộ Chính trị. Những đề xuất, kiến nghị bổ sung, phát triển định hướng, nội dung, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải nhằm hướng tới việc chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đang được nhận thức lại trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng XII gắn liền với cải cách mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các nguyên tắc đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013…
Văn Anh