Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

Thứ Sáu, 17/04/2015, 11:08 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 16-4, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP). Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị.

Về tên gọi của dự thảo Luật, đa số ý kiến tán thành với tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, có ý kiến đề nghị đổi tên là Luật chính quyền địa phương hoặc Luật Tổ chức đơn vị hành chính.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số ý kiến tán thành với việc quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong dự thảo Luật. Theo đó, xác định tính chất, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức CQĐP tại các đơn vị này; còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Về mô hình tổ chức CQĐP, đa số ý kiến tán thành với phương án 1 trong dự thảo Luật (tất cả các đơn vị hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 110 Hiến pháp 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Một số ý kiến tán thành với Phương án 2 của dự thảo Luật (Không tổ chức HĐND ở cấp phường. Việc thành lập UBND phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án: Phương án 1- Chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường. Phương án 2- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Về phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, đa số ý kiến tán thành việc quy định rõ trong Luật các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp CQĐP cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở từng loại đơn vị hành chính. Theo đó, xác định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và CQĐP và giữa các cấp CQĐP, khuyến khích việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP các đơn vị hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Xác định các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, ngoại giao và những lĩnh vực khác mà luật quy định thuộc trách nhiệm quản lý của Trung ương không được phân cấp cho địa phương. Đồng thời, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành lĩnh vực…

Về cơ cấu tổ chức của HĐND, đa số ý kiến tán thành với cơ cấu tổ chức của HĐND như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ thêm địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, nhất là các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội của Thường trực HĐND trong thời gian Quốc hội không họp.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.