Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
(BNCTW) - Ngày 15-4, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị.
Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, đa số ý kiến đề nghị không quy định cứng số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật để bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn yêu cầu từng thời kỳ phát triển của đất nước. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể vấn đề này ngay trong Luật để bảo đảm tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đa số ý kiến tán thành với các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ phù hợp với Điều 95 của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thuộc các nhóm cơ bản là: pháp chế, pháp quyền; phân định trách nhiệm; tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; phân quyền, phân cấp hợp lý; công khai, minh bạch.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật khi cụ thể hóa những nội dung quy định tại Điều 96 Hiến pháp 2013; không quy định “Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật”; “Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước…”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, đa số ý kiến tán thành về việc bổ sung quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch Nước bổ nhiệm; cũng như tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, đa số ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 05 (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 04; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 03.
Về cơ quan thuộc Chính phủ, một số ý kiến đề nghị không quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; một số ý kiến cho rằng cần quy định cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập để tổ chức thi hành pháp luật và kiểm tra thi hành pháp luật trong lĩnh vực đặc thù.
Về phân cấp, phân quyền và ủy quyền của Chính phủ và bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương, đa số ý kiến cho rằng việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương là cần thiết để bảo đảm hiệu quả của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nội dung phân cấp cho địa phương theo các lĩnh vực cụ thể rất đa dạng, nên để cho luật chuyên ngành điều chỉnh, còn Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung.
Nguyễn Phương Thảo