Hà Nội: Cần tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm
Thứ Tư, 22/04/2015, 10:20 [GMT+7]
Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, cần tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các phương tiện thông tin truyền thông của sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường thuộc Thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; phấn đấu giảm số giờ thực hiện của mỗi thủ tục hành chính tại mỗi ngày, cơ quan, tổ chức thuộc Thành phố để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung rà soát các kế hoạch, dự án đầu tư ngay từ khâu định hướng, chủ trương đầu tư, tránh việc định hướng đầu tư và chủ trương sai, dẫn đến các dự án không đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thấp.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính |
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai, minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc Thành phố phải thực hiện công khai theo đúng quy định của pháp luật, tập trung công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao theo quy định. Khuyến khích thực hiện hình thức công khai trên trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm ngân sách, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định.
Thực hiện công khai hành vi lãng phí, kết quả xử lý hành vi lãng phí. Đẩy mạnh giám sát đầu tư cộng đồng qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tăng cường vai trò của nhân dân trong việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Tăng cường thanh, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan. Tập trung vào một số lĩnh vực, công trình trọng điểm: quản lý, sử dụng đất; tài nguyên thiên nhiên; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi và dịch vụ công cộng; các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Chương trình mục tiêu thành phố; các quỹ có nguồn gốc ngân sách nhà nước; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc…
Lê Thu
(Bộ Tài chính)
;