Đà Nẵng: Những bài học kinh nghiệm về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Kế thừa và phát huy kết quả của những năm trước, trong năm 2014, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn được Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt; có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các cơ quan nội chính và các cấp, ngành, tạo chuyển biến tích cực.
Công tác tiếp công dân được duy trì thực hiện nghiêm túc; các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được xem xét, giải quyết kịp thời; các vụ việc tồn đọng từ năm trước được tập trung giải quyết.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành Công văn số 1666-CV/TU ngày 26-9-2014 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đến các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Trên cơ sở Chỉ thị số 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Thành uỷ và UBND thành phố, tất cả các quận, huyện đã tiếp thu và ban hành các chỉ thị, kế hoạch để triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ chủ chốt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn. Đã tổ chức quán triệt cho đội ngũ báo cáo viên làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cấp quận, huyện với gần 200 người tham dự; tiếp nhận, biên soạn 250 cuốn sách hỏi đáp về khiếu nại, tố cáo và 1.500 tờ gấp “Một số điều cần biết về khiếu nại và giải quyết khiếu nại”, 1.500 tờ gấp “Một số điều cần biết về tố cáo và giải quyết tố cáo”; phát hành tờ rơi đến người dân 37.762 tờ gấp tóm tắt nội dung của luật khiếu nại, tố cáo; các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức 5 hội nghị triển khai Luật Tiếp công dân, nghiệp vụ tiếp công dân, nghiệp vụ xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với hơn 400 người tham dự; UBND các quận, huyện đã tổ chức 7 hội nghị triển khai Luật Tiếp công dân với 1.440 người tham dự; tổ chức hội nghị tuyên truyền tại 18 phường, xã với 6.678 người tham dự.
Lễ công bố thành lập Ban Tiếp công dân Thành phố Đà Nẵng |
Việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân được lãnh đạo thành phố quan tâm thực hiện. Sau khi Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành, công tác tiếp công dân đã đi vào nền nếp hơn.
Thành uỷ đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành Quyết định số 6955/QĐ-UBND ngày 02-10-2014 về việc thành lập Ban Tiếp công dân thành phố; phân công 01 đồng chí Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố làm Trưởng ban; ban hành Quyết định số 9262/QĐ-UBND ngày 13-12-2014 về tổ chức và hoạt động của Ban Tiếp công dân thành phố. Theo đó, Ban Tiếp công dân thành phố ngoài 05 cán bộ chuyên trách (thuộc Phòng Tiếp công dân trước đây) còn được bổ sung thêm 4 cán bộ không chuyên trách để đảm bảo thực hiện hoạt động tiếp công dân có hiệu quả. Trong năm qua, Lãnh đạo thành phố tổ chức tiếp công dân định kỳ trực tiếp 37/37 trường hợp; Ban Tiếp công dân thành phố đã tiếp 3.046 lượt người; các sở, ngành tiếp 1.054 lượt người; các quận, huyện đã tiếp 5.035 lượt người; các phường, xã tiếp 3.033 lượt người. Đã tiếp nhận 6.157 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (trong đó có 598 khiếu nại, 152 tố cáo, 5.407 kiến nghị, phản ánh); đã tiến hành thụ lý giải quyết 184 đơn (155 khiếu nại, 29 tố cáo) thuộc thẩm quyền; đã giải quyết: 25/29 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 86,2 %).
Các ban tiếp công dân tại các quận, huyện được bố trí phòng tiếp công dân, đầu tư cơ sở vật chất, cài đặt phần mềm theo dõi tiếp nhận, xử lý đơn thư để phục vụ tốt cho hoạt động tiếp công dân. Thành uỷ, UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương thành lập và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho phòng tiếp công dân tại các phường, xã trên địa bàn để hoạt động tiếp công dân thực sự đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn.
Lãnh đạo thành phố đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát, giải quyết nhiều lần nhưng các hộ vẫn tiếp tục khiếu kiện lên Trung ương. Qua 24 trường hợp tồn đọng, thành phố đã công khai tổ chức đối thoại và đã ban hành thông báo chấm dứt giải quyết đối với 8 vụ việc, thông báo trực tiếp kết quả giải quyết đến 13 trường hợp, đối với 3 vụ việc còn lại, UBND thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng báo cáo đề xuất giải quyết theo thẩm quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền và tổ chức chính trị -xã hội trên địa bàn thành phố chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường ở một số địa phương trên địa bàn thành phố còn hạn chế. Công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án còn chưa chặt chẽ về thủ tục dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Công tác vận động nhân dân, tuyên truyền, giải thích về chính sách bồi thường khi thu hồi đất ở một số dự án và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong nhân dân ở một số nơi chưa tốt.
Thời gian tới, cấp ủy Đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW; Thông báo số 378/TB-VPCP ngày 29-9-2014 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính Phủ; Nghị quyết số 39/2012/NQ-QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội; Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ và các văn bản của Thành uỷ, UBND thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả các ban tiếp công dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát chỉ đạo xử lý dứt điểm các kiến nghị, thỉnh cầu của công dân; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt nội quy, quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân của các ban tiếp công dân. Chỉ đạo các ban, ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện tốt các quy định về tiếp công dân theo Luật tiếp công dân.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân từ thành phố đến cơ sở. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội…; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; giải quyết kịp thời các quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ban tiếp công dân, tổ hòa giải cơ sở và ban thanh tra nhân dân. Phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không để xảy ra điểm nóng.
Huỳnh Văn Thắng
(Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng)