Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị họp phiên thứ nhất

Thứ Tư, 15/04/2015, 12:42 [GMT+7]

    (BNCTW) - Ngày 14-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo.

    Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo: Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo một số cơ quan Trung ương.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

    Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Quyết định thành lập Tổ giúp việc; Kế hoạch Tổng kết; dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo.

    Theo Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phó trưởng Ban Thường trực trình bày, việc tổng kết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam 10 năm qua với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

    Nội dung tổng kết gồm: Kết quả quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng. Kết quả thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung tổng kết việc thực hiện 06 định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và 05 giải pháp về thi hành pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết.

    Việc tổng kết cần đánh giá đúng thực trạng, ưu điểm, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện; sự đúng đắn của từng định hướng, giải pháp đề ra trong Nghị quyết; những vấn đề không còn phù hợp; những việc chưa làm được, những việc không làm được, phân tích rõ nguyên nhân; xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo, bao gồm: những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung; những định hướng, giải pháp cần kiến nghị với Bộ Chính trị.

    Phát biểu tại Phiên họp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết 48-NQ/TW đòi hỏi việc tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, chính xác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tổng hợp báo cáo để hoàn thành Dự thảo Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 12-2015.

    Kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng kết Nghị quyết xuất phát từ vai trò của Chiến lược. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Cương lĩnh của đảng ta. Việc tổng kết Nghị quyết cần được tiến hành cả ở Trung ương và địa phương để đảm bảo tính khách quan; chú ý đôn đốc, giám sát công tác tổng kết tại các địa phương, chỉ đạo tập trung vào 20 tỉnh, thành phố trọng điểm để đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và tiến độ đề ra. Đồng chí giao Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy và các sở tư pháp, pháp chế của các bộ, ngành để quán triệt nội dung, tinh thần, hướng dẫn tổng kết…

    Đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu, việc tổng kết Nghị quyết 48 cần gắn với việc thực hiện Hiến pháp 2013, chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng lần thứ XII, kết quả tổng kết đóng góp thiết thực vào nội dung văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII.

Thu Thắm

;
.